Diễn đàn là cơ hội để người nông dân tiếp cận chủ trương, chính sách về định hướng phát triển canh tác sầu riêng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; các tiến bộ kỹ thuật, các công nghệ mới về ứng dụng công nghệ trong canh tác sầu riêng trên địa bàn tỉnh.
Tham gia Diễn đàn có hơn 40 đại diện các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các cấp lãnh đạo địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, công ty, cơ quan thông tấn báo chí về đưa tin và hơn 160 nông dân trên địa bàn tỉnh.
Đây là diễn đàn có các nhà quản lý, nhà khoa học, các công ty, doanh nghiệp và nông dân, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau đề xuất giải pháp canh tác sầu riêng bền vững theo chuỗi liên kết, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu cho sầu riêng một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Đắk Nông (cũ)
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Chương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh cho biết: “Tính đến cuối năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh là 12.217 ha, tăng 1.905 ha so với năm 2023 (năm 2023 là 10.312 ha). Sầu riêng trồng tập trung nhiều ở các huyện như: Đắk R’lấp; Tuy Đức; Đắk Mil; Đắk Song… của tỉnh Đắk Nông (cũ); dự kiến năm 2025, tổng diện tích của tỉnh ước đạt 13.480 ha, tăng khoảng 1.263 ha so với năm 2024, sản lượng ước khoảng 68.000 tấn. Nguyên nhân diện tích sầu riêng tăng nhanh trong thời gian gần đây là do sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã tạo cơ hội lớn về xuất khẩu sầu riêng cả nước nói chung và Đắk Nông nói riêng”
Tại Diễn đàn, nông dân có dịp trao đổi kinh nghiệm và được Ban cố vấn và các chuyên gia giải đáp những vẫn đề khó khăn trong quá trình canh tác và sản xuất sầu riêng tập trung vào các vấn đề như: cơ cấu giống; kỹ thuật trồng, chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chất vàng ô, dư lượng cadimi trên sầu riêng và các vấn đề khác liên quan đến mã số vùng trồng và xuất khẩu sầu riêng... Các chuyên gia cũng chia sẻ những định hướng và giải pháp để phát triển ngành hàng sầu riêng tỉnh Đắk Nông nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Hồ Gấm - Chủ tịch Hội Nông dân nhấn mạnh: Đắk Nông có nhiều dư địa để phát triển chế biến, dịch vụ logicstic và liên kết vùng. Trong tương lai, Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng sẽ trở thành vùng trọng điểm về phát triển cây công nghiệp chủ lực cũng như một số ngành hàng cây ăn quả đặc sản, trong đó có sầu riêng
Diễn đàn đã diễn ra trong không khí sôi nổi, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ bà con nông dân. Những chia sẻ từ các chuyên gia trong lĩnh vực đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển canh tác cây Sầu riêng theo hướng bền vững, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ Sầu riêng hiệu quả.
Diễn đàn được các cấp lãnh đạo địa phương ghi nhận và đánh giá cao, giúp người dân có được thông tin bổ ích áp dụng vào sản xuất, nâng cao nhận thức đầy đủ hơn về canh tác sầu riêng bền vững; áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất, giá trị chất lượng sản phẩm Sầu riêng phù hợp với định hướng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu hiện nay.
Nguyễn Thị Khánh
Trung tâm KNGNLN tỉnh Đắk Nông