Điểm cầu Bộ NN và PTNT tại Hà Nội

 

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích cây trồng vụ đông năm 2020 đạt 375 nghìn ha, giảm 13,3 nghìn ha so với vụ đông 2019 do ảnh hưởng của cơn bão số 7. Năng suất của cây vụ đông 2020 có sự biến động tùy từng nhóm cây so với vụ đông 2019. Nhóm cây ưa ấm có năng suất tăng như: ngô đạt 46,4 tạ/ha, lạc đạt 24,0 tạ/ha, đậu tương đạt 17,1 tạ/ha. Nhóm cây có năng suất giảm chủ yếu là cây ưa lạnh như: khoai tây đạt 155,5 tạ/ha, rau đậu các loại đạt 184,7 tạ/ha. Tổng sản lượng cây trồng vụ đông 2020 đạt 4.565 nghìn tấn, tăng 110 nghìn tấn so với vụ đông 2019. Cây trồng có sản lượng tăng chủ yếu là rau tăng 65 nghìn tấn, ngô tăng 66,3 nghìn tấn, khoai tây tăng 6 nghìn tấn... Tổng sản lượng đạt 4.565 nghìn tấn, tăng 110 nghìn tấn so với vụ đông năm 2019. Tổng giá trị cây vụ đông (tính theo giá hiện thời) đạt 32.628 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 84,3 triệu đồng, tăng 3,1 triệu đồng/ha so với vụ đông năm 2019.

Giá trị sản xuất vụ đông tăng do có sự chuyển dịch từ nhóm cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn như: nhóm cây dược liệu; nhóm rau ăn củ, ăn quả, rau chất lượng cao; ngô thực phẩm, ngô sinh khối; hoa, cây cảnh giá trị cao,...; sản xuất trong nhà màn, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có thị trường đầu ra ổn định; trồng rải vụ,... đã góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Đặc biệt, sản phẩm nhóm rau các loại duy trì được giá bán cao ngay từ đầu vụ đến cuối vụ.

Năng suất của cây vụ đông 2020 có sự biến động tùy từng nhóm cây so với vụ đông 2019

 

Về kế hoạch triển khai sản xuất vụ đông năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định phát triển vụ đông 2021 theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững. Vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành cho năm tiếp theo, vì vậy cần xác định rõ đối tượng cây trồng, cơ cấu giống cần tập trung phát triển, mở rộng diện tích gieo trồng, các biện pháp kỹ thuật, chế biến phù hợp để tập trung chỉ đạo.

Mục tiêu vụ đông 2021 là ổn định diện tích khoảng 400 nghìn ha và sản lượng 4,6 triệu tấn. Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Hồng kế hoạch 161.000 ha, vùng Trung du miền núi phía Bắc 140.000 ha, vùng Bắc Trung Bộ kế hoạch 105.000 ha. Tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34 - 35 nghìn tỷ đồng. Trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 85 triệu đồng/ha. Trong đó, nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) chiếm tỷ lệ khoảng 55% tổng diện tích cây vụ đông; nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) khoảng 45% tổng diện tích cây vụ đông.

Về giải pháp sản xuất vụ đông 2021, thời vụ từng tỉnh căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa hè thu, vụ mùa 2021 để chủ động bố trí thời vụ, diện tích, với cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm đảm bảo đạt diện tích sản xuất vụ đông tối đa nhưng phải đảm bảo chắc ăn và hiệu quả kinh tế.

Về giải pháp kỹ thuật, với nhóm cây ưu ấm thời vụ gieo trồng kết thúc trước ngày 10/10, nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau ngày 10/10, riêng với cây khoai tây tập trung trồng từ ngày 25/10 đến 15/11. Trồng rải vụ đối với nhóm rau để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa giá thấp hoặc thiếu rau đẩy giá lên cao.

Các ý kiến tại hội nghị đều tập trung vào việc cần quan tâm đến liên kết, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 hiện nay như: kết nối với các đối tác nước ngoài mở ra thị trường tiêu thụ ổn định rau xanh, vải; hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp cho nông dân; kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp với các địa phương trong nước…

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, vụ đông năm nay, tỉnh Nghệ An chỉ đạo sản xuất theo phương châm “4 sát”: cơ cấu cây trồng phải sát tình hình địa phương; lịch thời vụ phải sát với dự báo khí tượng thủy văn; sát với cơ cấu thị trường; chỉ đạo sát cơ sở, thậm chí cấp thôn, cấp xóm. Tỉnh xác định vụ đông không sản xuất bằng mọi giá mà sản xuất bằng mọi cách, tức là sản xuất phải an toàn. Để sản xuất hiệu quả, tỉnh Nghệ An đã phân nhóm sản phẩm; phân công chỉ đạo; tập trung tiêu úng; dự báo thị trường tiêu thụ tạo mối liên kết sản xuất; xây dựng thêm cơ chế của tỉnh để hỗ trợ nông dân sản xuất.

Ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương mong muốn Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm về thị trường, rà soát, hỗ trợ địa phương về thị trường tiêu thụ; hỗ trợ về kỹ thuật để làm sao sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh  phát biểu tại hội nghị

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội, song sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định và duy trì đà tăng trưởng, tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất vụ đông nói riêng, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm cho đất nước và đã trở thành vụ sản xuất chính của các tỉnh phía Bắc. Giá trị sản xuất vụ đông tăng nhanh, nhiều địa phương có kinh nghiệm trong xây dựng các chuỗi sản xuất vụ đông khép kín, kết hợp sản xuất và tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm. 

Về triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2021, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thu hoạch nhanh diện tích lúa, rau màu hè thu, lúa mùa sớm theo đúng kế hoạch nhằm tạo quỹ đất trồng cây vụ đông. Chủ động nắm bắt, đón thời cơ về thị trường trong nước, quốc tế để tăng diện tích cây vụ đông phù hợp với khả năng của từng địa phương. Căn cứ điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai, nguồn nước và thị trường, các tỉnh chủ động bố trí thời vụ, diện tích, cơ cấu giống cây trồng vụ đông; ưu tiên sử dụng các giống cây trồng có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, năng suất, tốt giống sạch bệnh, trẻ sinh lý. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới cho hiệu quả kinh tế cao. Mở rộng phát triển vùng trồng cây dược liệu có sự liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn với các doanh nghiệp chế biến dược liệu. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực xây dựng, ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các tổ chức, Hợp tác xã, nông dân tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức xây dựng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, mô hình liên kết chuỗi; tổ chức tập huấn kỹ thuật, thực hiện các diễn đàn, tọa đàm, hội chợ giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất vụ đông. Xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cây vụ đông đối với các cây trồng chủ lực... góp phần thúc đẩy sản xuất cây vụ đông phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững.

Thanh Thúy