Tham dự hội thảo có 105 đại biểu đến từ 05 tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang, trong đó có 40 nông hộ, chủ trang trại chăn nuôi heo của tỉnh Đồng Nai.

Ban chủ tọa điều hành hội thảo 

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi (African swine fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao có thể đến 100%. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi (ASFV) có sức đề kháng cao trong môi trường.

Tại Việt Nam, theo Cục Thú y, tính đến ngày 24/6/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 4.420 xã, 463 huyện của 60 tỉnh, thành phố, trong đó có 18/21 các tỉnh phía Nam bị dịch. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.830.706 con với trọng lượng là 166.312 tấn. Ngoài ra, đã có 363 xã thuộc 141 huyện của 29 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại các ổ dịch cũ này 173.891 con. Thời gian qua, đã có 75 xã thuộc 18 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh. 

Riêng tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xâm nhập vào địa bàn Đồng Nai. Ca bệnh đầu tiên xuất hiện ngày 17/4/2019. Tính đến ngày 20/6/2019, dịch bệnh đã xảy tại 126 hộ/trang trại chăn nuôi heo thuộc 34 ấp (khu phố) trên 22 xã của 06 huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Long Thành, Thống Nhất và Tân Phú, tổ chức tiêu hủy 21.261 con. Thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi thú y phối hợp chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc tiêu hủy heo bệnh, chết theo quy định, hướng dẫn công tác tiêu độc sát trùng và các biện pháp an toàn sinh học khác.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã đưa ra một số giải pháp chính để hạn chế dịch bệnh như: hạn chế nhập khẩu thịt heo nhằm giảm thiểu tồn dư mầm bệnh trong thịt, kiểm nghiệm chặt chẽ các lô thịt nhập (nếu có) và tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi khi có dịch bệnh xảy ra, đồng thời lập đội phản ứng nhanh tại địa phương, chủ động áp dụng các biện pháp phòng và chống dịch bệnh.

Theo TS. Đào Hà Trung, Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai xây dựng phần mềm quản lý đàn vật nuôi, quản lý dịch bệnh là một trong những giải pháp góp phần phòng chống dịch bệnh tả lợn heo châu Phi tại Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép áp dụng, được triển khai ở thành phố Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, tỉnh Đồng Nai và Cà Mau bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Người chăn nuôi khi tham gia chương trình này có 7 lợi ích: nhận thông tin cần thiết về chăn nuôi và giá sản phẩm, nhận được hỗ trợ chính sách, hỗ trợ tiêu thụ, hỗ trợ thiệt hại nhanh chóng và kỹ thuật khi cần, ưu tiên vận chuyển kiểm dịch giết mổ nhanh chóng, được mua vacxin đầy đủ, được cấp các giấy phép chăn nuôi nhanh chóng.

Hội thảo đã nhận được 25 câu hỏi của các đại biểu tham dự tập trung vào vấn đề về an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng, tiêu hủy đàn heo, vắc-xin phòng bệnh, quản lý nhà nước trong công tác phòng bệnh...

Toàn cảnh Hội thảo

Để chăn nuôi an toàn sinh học và phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại các tỉnh, thành phía Nam, tổng kết hội thảo, TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị:

- Chi cục Chăn nuôi Thú y, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tiếp tục, tăng cường hỗ trợ cho người dân áp dụng các giải pháp an toàn sinh học tối ưu trong chăn nuôi heo, đặc biệt ở các trang trại, đảm bảo duy trì đàn lợn, phòng dịch bệnh khu vực liên quan.

- Trung tâm khuyến nông các tỉnh tiếp tục phối hợp nhịp nhàng với hệ thống thú y các cấp trong việc phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ tiêu hủy đàn heo bệnh theo đúng phương pháp hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan thú ý.

- Trong Chương trình khuyến nông các tỉnh, ngoài triển khai giải pháp an toàn chăn nuôi heo, cần mở rộng giải pháp phương thức chăn nuôi an toàn trên đối tượng khác; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện cho người dân yên tâm trong vấn đề phòng chống dịch bệnh.

- Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai phát huy kinh nghiệm trong phòng chống dịch, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai trong công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi trong thời gian tới.

- Đề xuất Cục Chăn nuôi sớm ban hành những quy trình an toàn sinh học chăn nuôi nuôi cải tiến hơn nữa để có thể áp dụng chăn nuôi cho từng điều kiện sinh thái, quy mô khác nhau; chương trình khuyến nông sắp tới tập trung vào các vật nuôi khác để giúp người dân chăn nuôi hiệu quả kinh tế hơn, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập./.

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia