Hội thảo là một trong những sự kiện quan trọng trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp công nghệ cao tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp). Với sự tham dự của Đại diện Bộ NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, và gần 200 nông dân.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo nhằm hỗ trợ nhà sản xuất, nông dân lựa chọn, định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát huy các nguồn lực xã hội là chủ thể, trong đó Nhà nước hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi thông qua việc xây dựng mô hình sản xuất, chuyển giao khoa học và công nghệ, phát triển thị trường, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; Ứng dụng công nghệ cao tập trung vào một số vùng, lĩnh vực, loại cây, con thế mạnh của địa phương và vào một số khâu quan trọng, nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả và bền vững.

Tại hội thảo, nhiều tham luận tập trung bàn thảo và đề xuất các giải pháp để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam như: Ứng dụng công nghệ cao tạo thế đột phá trong nông nghiệp tỉnh Long An; Hiện trạng và định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đồng bằng song Cửu long; Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi; Phân bón thế hệ mới góp phần canh tác nông nghiệp bền vững....

Trong bài tham luận “Nông dân Việt Nam vận dụng được gì với Nông nghiệp 4.0 trên thế giới”, TS. Lê Quý Kha - Viện KHKT miền Nam đánh giá hạ tầng và cơ sở tại Việt Nam chưa đồng bộ theo khái niệm 4.0 trên qui mô cả nước, giá thành sản xuất nhiều mặt hàng còn cao hơn nhiều nước chung quanh. Vì vậy nên đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ, cần có các nhà khoa học hiểu biết và làm chủ được các công nghệ, thiết bị nông nghiệp thông minh, cần có công nhân lao động lành nghề với nông nghiệp thông minh (bằng cách thông qua các hợp đồng xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan). Ở trong nước tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang đầu tư nông nghiệp thông minh (trồng trọt, chăn nuôi). Bộ NN&PTNT nên tổ chức các đoàn đi tham quan đánh giá về tổ chức và áp dụng công nghệ của các nước khác như: Thái Lan, Philipin, Indonesia…). Đề nghị Chính Phủ giành một phần ưu tiên cho lãnh vực nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0.

Ông Từ Minh Thiện – Phó trưởng ban Ban quản lý Khu NNCNC thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: “Tạo thế đột phá trong nông nghiệp cần có sự thay đổi tư duy về kinh tế thị trường, chấp nhận đương đầu với các rủi ro, thách thức cũng như thích nghi với sự thay đổi trong các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội, người sản xuất. Điều đó thể hiện trong việc tổ chức, quản lý điều hành, sản xuất, kinh doanh, và thách thức triển khai những giải pháp, chính sách mang tính quyết liệt, mạnh mẽ, có ý nghĩa như những đòn bẫy khả thi, hiệu quả. Từ đó tác động đến việc tạo nguồn cảm hứng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cũng như thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại ích lợi thiết thực cho người sản xuất nông nghiệp bền vững.”

Ông Võ Quan Huy – Giám đốc Cty TNHH Huy Long An đã chia sẻ: “Cần chú trọng việc liên kết các viện, trường, các nhà khoa học để nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng quy trình sản xuất phù hợp cho từng loại cây trồng, vật nuôi. Hỗ trợ cho người dân xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản nông sản đạt chất lượng.”

Hiện nay, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tiểu vùng Đồng Tháp Mười nói riêng, sản xuất nông nghiệp gần đây đã có những chuyển biến về sản xuất sạch, an toàn, tiêu thụ sản phẩm nhưng vẫn còn những khó khăn về thị trường tiêu thụ, vấn đề thất thoát, bảo quản sau thu hoạch chưa được khắc phục hoàn toàn... Khái niệm công nghệ cao được hiểu và sử dụng rộng rãi là sự kết hợp và ứng dụng các công nghệ để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng hàng hóa, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người, đặc biệt là phải bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Nông nghiệp công nghệ cao áp dụng một cách hợp lý các kỹ thuật tiên tiến (mới nhất) để chọn lựa, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi mới, chăm sóc nuôi dưỡng cây, con vật bằng thiết bị tự động, chế biến phân hữu cơ, vi sinh cho cây trồng, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thuốc thú y, thuốc bảo về thực vật, công nghệ tự động tưới tiêu, xử lý chất thải bảo vệ môi trường…, trong đó, công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng.

Ngọc Huệ - Diệp Lục Tố