Năm 2016 cũng là năm ngành nông nghiệp nói chung và công tác khuyến nông nói riêng phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai xảy ra liên tiếp, kéo dài ở hầu khắp các địa phương trên cả nước; sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung,… kinh phí đầu tư thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu; công tác quản lý nhà nước về khuyến nông có rất nhiều vấn đề bất cập nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; những vướng mắc, bất cập về cơ chế tài chính, cơ chế quản lý hoạt động khuyến nông tiếp tục là rào cản, vướng mắc trong quá trình hoạt động; yêu cầu về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ và chuyển các dịch vụ công theo hình thức đặt hàng gây tâm lý băn khoăn, lo ngại cho cán bộ khuyến nông.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, hệ thống khuyến nông cả nước đã mạnh dạn đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để tiếp tục triển khai các dự án, nhiệm vụ khuyến nông, giúp nông dân vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất, góp phần vào những kết quả, thành công chung của ngành nông nghiệp và PTNT.

I. Một số kết quả nổi bật năm 2016

1.  Xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn

Căn cứ các dự án khuyến nông được Bộ phê duyệt, trong năm 2016 Trung tâm đã chủ trì triển khai 20 dự án khuyến nông với tổng kinh phí 83.015 triệu đồng (giảm 16.227 triệu đồng so với năm 2015) và quản lý 9 dự án khuyến nông do các đơn vị ngoài Bộ chủ trì với kinh phí 11.480 triệu đồng (giảm 5.561 triệu đồng so với năm 2015).

Theo kết quả đánh giá, một số dự án đạt kết quả cao như: “Sản xuất hạt giống lúa lai F1” có tổng sản lượng hạt lai năm đạt 2.950 tấn; dự án“3 giảm 3 tăng và SRI” thực hiện 910 ha, chi phí giảm từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha, tăng năng suất và chất lượng lúa, chuyển đổi nhận thức của nông dân từ gieo sạ dầy sang sạ thưa, năng suất lúa đạt 64 - 65 tạ/ha, tăng hiệu quả kinh tế 25% so với sản xuất đại trà;“Xây dựng mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp cho cây mía phục vụ chế biến đường công nghiệp”, năng suất dự kiến đạt khoảng 85 tấn/ha;“Dự án xây dựng mô hình thâm canh thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh”, năng suất đạt từ 35 - 40 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng từ 15 - 20%.

Lĩnh vực chăn nuôi, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc”, quy mô 4.000 con gà, 3 máy ấp và máy nở; “Xây dựng mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ” với 1.850 con bò được vỗ béo;“Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên”, quy mô 800 đàn ong (600 đàn ong nội và 200 đàn ong ngoại).

Lĩnh vực thủy sản, dự án Mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm”, tỷ lệ sống 79,8%/70%, năng suất đạt 16,2 tấn/ha; kích cỡ thu hoạch đạt trung bình 704 gr/con; “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi” dự kiến kết quả đạt 58 tấn tôm càng xanh và 260 tấn lúa, mô hình tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.   

Để tuyên truyền và nhân rộng mô hình ra sản xuất, các dự án đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo đầu bờ giới thiệu cho bà con nông dân.

2.  Hoạt động đào tạo huấn luyện khuyến nông

Năm 2016, hoạt động đào tạo huấn luyện tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương pháp tập huấn theo hướng đi sâu vào chất lượng, hiệu quả. Nội dung các khóa tập huấn tập trung vào các chủ đề phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới, trang bị các kiến thức cần thiết về chính sách, tổ chức quản lý sản xuất, thị trường, hội nhập quốc tế,… cho cán bộ khuyến nông và nông dân. Đặc biệt, đã chỉ đạo các đơn vị triển khai một cách tập trung, trọng tâm, trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ, tránh dồn vào cuối năm như trước đây. Tổ chức được 14 lớp đào tạo giảng viên khuyến nông cấp quốc gia cho 567 cán bộ khuyến nông cấp tỉnh; tổ chức được 331 lớp TOT cấp tỉnh, huyện và cơ sở; tổ chức được 55 lớp tập huấn cho cộng tác viên khuyến nông. Xây dựng 7 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, 6 poster kỹ thuật, 2 đĩa hình kỹ thuật khuyến nông. Tổ chức 5 đoàn khảo sát học tập trong nước, 2 đoàn khảo sát học tập nước ngoài và 1 lớp tập huấn ASEAN về sản xuất cà phê bền vững.

3.  Hoạt động thông tin tuyên truyền

Quán triệt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, năm 2016 hoạt động thông tin tuyên truyền tiếp tục được đổi mới và bám sát các định hướng của Bộ, ngành như: Sản xuất hiệu quả, an toàn, bền vững; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng trừ dịch bệnh phát sinh; biến đổi khí hậu;… đặc biệt là tập trung vào các vấn đề mới phát sinh trong quá trình sản xuất như vụ xuân ấm, xâm nhập mặn, hạn hán, dịch bệnh, quản lý chất cấm chăn nuôi, thủy sản... Cụ thể, tổ chức 2 hội thi giảng viên khuyến nông giỏi và tuyên truyền viên giỏi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; có tổng số 19 tỉnh, thành phố tham dự, thu hút 1.037 đại biểu và 228 cán bộ khuyến nông tham dự. Tổ chức 8 hội chợ nông nghiệp vùng với tổng số 2.515 gian hàng (trong đó có 607 gian hàng nông nghiệp), thu hút 504.000 lượt người tham quan, mua sắm. Tổ chức 21 Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp thu hút 6.042 lượt đại biểu tham dự (trong đó có 4.670 nông dân), đã tư vấn, giải đáp 778 câu hỏi tại diễn đàn.

Về tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã xây dựng 219 chương trình phát trên đài truyền hình; 737 chương trình phát trên đài phát thanh; 8.800 tin, bài, ảnh tuyên truyền trên báo viết và 1.363 tin, bài, ảnh tuyên truyền trên báo điện tử. Trang web Khuyến nông Việt Nam đã đăng tải 3.400 tin, bài, ảnh và 32 chuyên mục; thư viện điện tử cập nhật được 216 đầu sách và 20 ấn phẩm các loại. Bản tin Thông tin Khuyến nông Việt Nam biên tập, xuất bản được 16 số, phát hành 7.000 bản/số trên khắp cả nước. Biên tập, in và phát hành 12 ấn phẩm với số lượng 145.600 bản, chủ yếu dưới hình thức tờ gấp, tờ poster để bà con dễ tiếp cận; in sao 35 đầu đĩa hình với số lượng 3.000 đĩa; biên dịch 15 đĩa hình sang tiếng dân tộc Thái, Mông để phục vụ bà con dân tộc thiểu số; tiếp tục chương trình xây dựng tủ sách khuyến nông tại các xã nông thôn mới.

II. Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2017

Công tác chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ khuyến nông năm 2017 tập trung theo hướng chủ động, tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bám sát và phục vụ trực tiếp các chủ trương, chính sách lớn của ngành. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông theo hướng: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khuyến nông; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với các loại hình đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với trình độ của nông dân; đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá, chú trọng đến tính hiệu quả và khả năng nhân rộng của các mô hình khuyến nông. Cụ thể như sau:

1. Tiếp tục biên tập Dự thảo Nghị định mới về khuyến nông để trình Chính phủ phê duyệt nhằm đổi mới toàn diện công tác khuyến nông.

2. Phối hợp tốt với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính, các Tổng cục, Cục chuyên ngành trong công tác quản lý khuyến nông của Bộ.

3. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho hệ thống khuyến nông các cấp, các đơn vị tham gia hoạt động khuyến nông.

4. Đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng các sự kiện, ấn phẩm khuyến nông, đổi mới hình thức, nội dung Bản tin Thông tin Khuyến nông Việt Nam, nâng cấp trang web khuyến nông để nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền hơn nữa.

5. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, tập huấn khuyến nông, tài liệu khuyến nông, các đoàn khảo sát học tập trong và ngoài nước, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trọng tâm là Đề án tái cơ cấu ngành và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

6. Đối với các dự án xây dựng mô hình trình diễn: chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai đúng tiến độ, mùa vụ sản xuất. Tăng cường chất lượng các hoạt động tập huấn trong và ngoài mô hình, thông tin tuyên truyền, tổ chức hội nghị, hội thảo đầu bờ để tuyên truyền, nhân rộng kết quả của dự án; tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của các phòng chuyên môn, văn phòng thường trực, chủ nhiệm dự án trong việc kiểm tra, giám sát ở các địa phương.

Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2016, tập thể cán bộ viên chức Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đoàn kết, gắn bó, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ Bộ giao, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong ngành Nông nghiệp và PTNT cũng như đáp ứng kỳ vọng của bà con nông dân cả nước.

TS. TRẦN VĂN KHỞI

                                         GĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia