Một trong những hoạt động nhằm giúp người sản xuất tiếp cận nhanh và bền vững với sản xuất nông lâm nghiệp là: “Đối thoại trực tiếp với hộ sản xuất/kinh doanh”. Hoạt động này đã và đang được Ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai thực hiện thường xuyên và liên tục.

Kênh trao đổi thông tin hữu hiệu

Hiện nay, nông dân cả nước nói chung và nông dân Lào Cai nói riêng đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng không ít thách thức lớn vì Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hội nhập khu vực. Do đó, mọi mặt của nền kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp nếu vẫn tổ chức thực hiện theo phương thức sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, manh mún, không áp dụng tiến bộ kỹ thuật, không kết nối thị trường sẽ khó và không có cơ hội cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.

Chị Hảng Thị Chênh, xã Lùng Khâu Nhin đặt câu hỏi với doanh nghiệp về hình thức hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ lợn đen bản địa

Khi sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, kéo theo nguồn giống cây trồng vật nuôi và vật tư nông nghiệp ngày một phong phú, đa dạng. Tuy nhiên nhiều hộ sản xuất vẫn chưa có điều kiện tiếp cận, phân biệt từng loại sản phẩm. Hơn nữa thực tế hiện nay, bà con nông dân còn gặp rất nhiều trở ngại, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp.

Vì thế, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai đã tham mưu cho Ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức và thực hiện trên 30 cuộc đối thoại trực tiếp với hộ sản xuất, kinh doanh về sản xuất NLN và thủy sản.

Hiểu rõ nông dân không chỉ thiếu những thông tin liên quan đến kỹ thuật mà còn rất cần những thông tin thị trường (địa chỉ uy tín, chất lượng giải quyết đầu ra cho sản phẩm) nên trong các buổi đối thoại luôn có mặt 04 nhà “Quản lý - Khoa học - Doanh nghiệp - Nông dân” nên buổi đối thoại không chỉ cung cấp trực tiếp cho người dân các thông tin liên quan đến kỹ thuật sản xuất, mà ngay cả thắc mắc đầu ra cho nông sản, người dân cũng được cung cấp chi tiết, rõ ràng.

Tại các buổi đối thoại, những vấn đề chính thường được người dân quan tâm, yêu cầu giải đáp là: (1)Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển NLN; (2)Vốn vay và hình thức vay; (3) Ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu; (4) Lựa chọn loại hình kinh doanh để phát triển sinh kế, việc phải trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với điều kiện đất đai, địa hình tại từng địa phương là một trong các vấn đề “nóng” được người dân nhiều nhất; (5) Quản lý dịch bệnh; (6) Thông tin thị trường, giống, vật tư nông nghiệp; (7) Giải quyết đầu ra cho sản phẩm; (8) Liên kết tiêu thụ…  Các câu hỏi đều được các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và chủ doanh nghiệp, ngân hàng giải đáp một cách thỏa đáng và rõ ràng.

Sự thay đổi thông qua hoạt động đối thoại:

Nông dân mạnh dạn tư tin phát triển sản xuất: Thông qua các buổi đối thoại, người sản xuất được tư vấn về quy trình kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, những vướng mắc được giải đáp, rõ ràng và kịp thời nên nhiều hộ nông dân đã thay đổi suy nghĩ, cách làm và mạnh dạn tự tin đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, những kiến thức tư vấn tại buổi đối thoại là cơ sở khoa học để bà con nông dân áp dụng vào thực tế gia đình, đồng thời tuyên truyền khuyến cáo, vận động nông dân trong thôn/bản cùng thực hiện. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn tự tin đầu tư phát triển chăn nuôi lợn số lượng lớn vì thị trường đầu ra ổn định. Điển hình như chị Lù Thị Mắng, chị Lý thị Lưa, chị Tẩn Tả Mẩy, chị Hoàng Thị Dính ở xã Mường Hum, huyện Bát Xát; chị Vàng Thị Cú, chị Lèng Thị Dương, chị Thèn Thị Thủy, chị Thèn Chị Chơi ở xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương.... đã mạnh dạn, tự tin đầu tư phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa, tăng số lượng con/lứa (trung bình 05 con/hộ/lứa, nhiều 30 - 50 con/hộ/lứa).

Mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa của chị Sùng Thị Xóa, xã Lùng Khâu Nhin, huyện Mường Khương

Thông qua các hoạt động đối thoại nhiều hộ nông dân/người sản xuất hiểu rõ các chính sách về vốn, tiếp cận nhanh được các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ phát triển sản xuất và kinh doanh, các hình thức vay vốn, lãi suất cho từng loại hình đầu tư...  (ví dụ vốn vay áp dụng cho học sinh sinh viên (khi có giấy nhập học) được vay tối đa 1.100.000 đồng/tháng, được vay trong suốt số thời gian học; vay phát triển sản xuất áp dung cho hộ nghèo và cận nghèo được vay tối đa 50 triệu đồng/hộ hoặc vay xuất khẩu lao động tối đa 100 triệu đồng/hộ; vay thực hiện chương trình vệ sinh nước sạch môi trường nông thôn được vay tối đa 12 triệu đồng/hộ với lãi suất thấp...).

Nâng cao hiệu quả truyền thông thông tin về cả nội dung, phương pháp thực hiện: Hoạt động tuyên truyền thông qua “Đối thoại trực tiếp” là một trong những phương pháp truyền thông rất hiệu quả. Thông qua hoạt động đối thoại các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp hay giữa nông dân với nông dân được giao lưu, chia sẻ những vấn đề về chính sách, khoa học kỹ thuật mới, phòng trừ dịch bệnh, liên kết thị trường tiêu thụ nông sản. Cũng thông qua hoạt động đối thoại, nhà quản lý, nhà khoa học được tiếp xúc, đối thoại với chính những người trực tiếp thực hiện hoạt động sản xuất NLN, qua đó nắm được tâm tư, nguyện vong, nhu cầu của người dân, từ đó tham mưu, đề xuất các biện pháp, nội dung về lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả cao; đặc biệt là hoàn thiện, ban hành chính sách mới phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân.

Ngoài ra, thông qua buổi đối thoại cán bộ kỹ thuật được rèn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức lối sống, nhất là về tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đặc biệt, qua tiếp xúc, đối thoại đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, nhiều vấn đề được giải quyết kịp thời để phục vụ sản xuất NLN tại địa phương.

Ban cố vấn trả lời trực tiếp các câu hỏi của nông dân/hộ sản xuất

Tiếp xúc, đối thoại với người sản xuất không phải là việc làm mới, nhưng là phương pháp rất phù hợp, hiệu quả nhằm định hướng và giải quyết, tháo gỡ cho người sản xuất những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sản xuất NLN. Tại các buổi đối thoại, các khách mời tham gia đối thoại trực tiếp với những hộ dân luôn  thể hiện rõ sự chân thành, trách nhiệm, thẳng thắn, bình đẳng và tôn trọng người đối thoại. Vì vậy, người dân mạnh dạn trình bày những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình.

Hơn nữa ưu điểm nổi bật nhất của đối thoại trực tiếp là có thể thực hiện thông tin hai chiều, với sự tham gia ý kiến của nhà quản lý, nhà khoa học và người dân. Theo đó, người dân có thể trình bày ý kiến, những vướng mắc trong sản xuất NLN  mình một cách tỉ mỉ, các ngành liên quan tiếp thu và giải đáp kịp thời những vấn đề mà họ đang cần và đang quan tâm. Quan trọng hơn là những vấn đề mà người dân quan tâm sẽ được bàn thảo, giải quyết tận gốc rễ. Đối thoại thành công cũng có nghĩa là tư tưởng người dân được thông suốt. Đây chính là tiền đề rất quan trọng, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức cũng như hành động trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững ở cơ sở.

Đối thoại trực tiếp với hộ nông dân/người sản xuất là giúp người dân hiểu rõ hơn và có kiến thức thức hơn trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trong giai đoạn tới, nhằm phát huy nội lực, thế mạnh kinh tế nông nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và xây dựng nông thôn mới./.

Nguyễn Hữu Trường

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai