Tập huấn ToT sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược thay thế kháng sinh trong chăn nuôi

Từ ngày 08 - 09/10/2020, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) Long An phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức lớp tập huấn ToT về sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.

Trong phần lý thuyết, các học viên rất quan tâm đền tình trạng tồn dư kháng sinh, tác hại của việc tồn dư và việc sử dụng các chế phẩm sinh học như: probiotic, prebiotic, acid hữu cơ, các chế phẩm thảo dược tỏi, gừng, nghệ,… để thay thế cho kháng sinh trong quá trình chăn nuôi.

Ngoài ra, các học viên còn được tham quan và thực hành tại cơ sở nuôi và ấp nở gia cầm của ông Nguyễn Văn Tứ ở ấp 2 xã Tân Bình, huyện Tân Trụ. Tại đây, học viên đã ghi nhận thông tin về hiện trạng sử dụng kháng sinh và các sản phẩm thay thế kháng sinh, từ đó đánh giá hiệu quả của việc sử dụng các chế phẩm sinh học, chế phẩm thảo dược thay thế cho kháng sinh.

Học viên tham quan mô hình cơ sở nuôi và ấp nở gia cầm của ông Nguyễn Văn Tứ

 

Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho vịt

Ngày 13 - 14/10/2020, TTDVNN Long An đã tổ chức 2 lớp tập huấn với nội dung kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng vịt siêu thịt thương phẩm VSM6 và phòng trị bệnh trên vịt với thời lượng tập huấn mỗi lớp là 2 ngày. Tham dự các lớp tập huấn là 60 nông dân chăn nuôi vịt thuộc các huyện Tân Trụ, Cần Đước, Châu Thành, Thủ Thừa và thành phố Tân An.  

Lớp tập huấn nằm trong hoạt động thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt thương phẩm VSM6 an toàn hiệu quả" do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA chủ trì thực hiện tại tỉnh Long An năm 2020 từ  nguồn vốn ngân sách của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Tại các lớp tập huấn, học viên được trang bị các kiến thức về biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiếp thu các ứng dụng tiến bộ trong cách chăm sóc nuôi dưỡng vịt thương phẩm, cách phòng và trị bệnh đạt hiệu quả cao, yêu cầu về chuồng trại, trang thiết bị và phương thức nuôi vịt trong nông hộ, cách sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi vịt.

Đồng thời, lớp tập huấn cũng đã tổ chức cho học viên tham quan mô hình thực tế tại hộ ông Nguyễn Văn Toàn, xã Đức Tân và hộ ông Huỳnh Văn Hậu, xã Tân Bình là các hộ tham gia dự án để tìm hiểu kỹ hơn về giống vịt siêu thịt thương phẩm VSM6. Học viên được trao đổi với các hộ tham gia về quy trình nuôi đang thực hiện, nguồn giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm... Tuy đây là giống mới được đưa vào nuôi ở Long An nhưng bước đầu được các hộ tham gia đánh giá cao, có khả năng bổ sung vào cơ cấu giống tại địa phương góp phần đa dạng hóa nguồn giống vịt, tạo điều kiện cho việc phát triển chăn nuôi vịt bền vững.

Thông qua các lớp tập huấn, nông dân được nâng cao kiến thức về cách thức chăn nuôi an toàn, tiếp cận quy trình nuôi dưỡng, chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, từ đó góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả cho người chăn nuôi./.

Hiếu Dân - Hồng Châu

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An