Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi cây trồng được 1.360,21 ha; trong đó, vụ đông xuân 573,1 ha, hè thu 586,24 ha, mùa 200,87 ha. So với năm 2017, diện tích chuyển đổi không tăng, nhưng đi vào chiều sâu và có tính bền vững hơn. Nếu như trước đây, nông dân chuyển đổi cây trồng theo mùa vụ, chủ yếu luân phiên các cây ngắn ngày như: bắp (ngô), đậu xanh, mè, dưa, rau màu,… thì hiện nay bà con có xu thế chuyển qua trồng các loại cây dài ngày, giá trị kinh tế cao. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ nông dân đã thay đổi nhận thức, thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh về khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển các cây trồng đặc thù để tạo ra sự khác biệt cho mặt hàng nông sản. Có 288,15 ha đất lúa chuyển sang trồng táo, nho, măng tây xanh cho thu nhập cao, tạo đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, nho 43,3 ha, năng suất bình quân 10 tấn/ha, lợi nhuận thu được cao gấp 18 lần so với trồng lúa; táo 21,26 ha, lợi nhuận cao gấp 9 lần so với trồng lúa; măng tây xanh 23,65 ha, lợi nhuận cao gấp 5 lần so với trồng lúa.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm đạt được mục tiêu đề ra

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm đạt được mục tiêu đề ra là nhờ tỉnh kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các thành phần tham gia thực hiện chương trình. Hưởng lợi từ Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh ban hành Đề án Chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017- 2020, nông dân có điều kiện thực hiện các mô hình tưới tiết kiệm nước, cánh đồng lớn sản xuất theo quy trình VietGAP, chuyển giao giống mới, giảm được nhiều chi phí, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng. Góp phần làm nên thành công phải kể đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, xác định địa điểm, quy mô và đối tượng cây trồng, xây dựng kế hoạch điều tiết nước, nhờ đó một số vùng đất hoang hóa được đưa vào sản xuất có hiệu quả. Trước khó khăn về đồng cỏ chăn nuôi ngày càng thu hẹp dần, ngành chức năng và các địa phương đã vận động chuyển 76,57 ha đất thiếu nước sang trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi, tạo sinh kế cho nhiều hộ. Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, giống, nhiều hộ chuyển sang trồng cỏ bán cho các trang trại chăn nuôi, hình thành nghề mới ở nông thôn cho thu nhập cao. Công tác kết nối doanh nghiệp cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cũng được tăng cường, qua đó hầu hết các mặt hàng nông sản ở những vùng chuyển đổi đều bán với giá cao. Đơn cử, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam đã cung ứng giống, vật tư cho nông dân sản xuất bắp và thu mua 280 sản phẩm, với giá 9.000 đồng/kg; Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận thu mua 243,12 tấn măng tây xanh với giá 50.000 đồng/kg.

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp nhìn nhận công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn có những hạn chế như diện tích chuyển đổi không đạt kế hoạch, một số nơi chuyển đổi thiếu bền vững, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thiếu ổn định, cần sớm khắc phục để chương trình triển khai tốt hơn trong thời gian tới.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Nguyên nhân của hạn chế là do thời tiết diễn biến phức tạp, đầu năm hạn hán, cuối năm lũ lụt, tác động không nhỏ đến sản xuất. Sự chủ động trong điều hành sản xuất ở một số địa phương chưa kịp thời, ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển đổi chung và hiệu quả kinh tế của người dân tham gia chuyển đổi. Vùng chuyển đổi cây trồng các địa phương đề xuất đa số là hộ thuộc diện khó khăn, thiếu vốn đầu tư, nên bị tư thương chi phối, gây khó khăn cho doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm. Công tác chỉ đạo thời vụ ở một số địa phương chưa quyết liệt, dẫn đến năng suất, hiệu quả chưa cao. Ngoài một số cây trồng đặc thù, như: nho, táo, măng tây xanh, cỏ chăn nuôi đã khẳng định được hiệu quả, một số cây trồng mới đưa vào sản xuất cần phải có thời gian theo dõi, đánh giá khả năng thích nghi mới có thể nhân rộng.

Theo Quyết định số 1947/QĐ-UBND ngày 15/11/2018 của UBND tỉnh về chuyển cây trồng, năm 2019, toàn tỉnh thực hiện hơn 1.183 ha, riêng vụ đông xuân hơn 531 ha. Để công tác chuyển đổi cây trồng đạt kế hoạch đề ra, tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân, tạo sự đồng thuận trong hành động. Chủ động kêu gọi doanh nghiệp tham gia hình thành liên kết; tổ chức đánh giá kết quả các mô hình đã thực hiện để minh chứng hiệu quả mang lại từ các loại cây trồng cạn, tạo động lực cho các hộ tự giác chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết. Đối với các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, các địa phương vận dụng chính sách phát triển nông nghiệp để hỗ trợ nông dân nhân rộng theo hướng bền vững.

Với những kết quả đạt được, cùng với sự chỉ đạo của UBND và sự chung tay vào cuộc của các ngành chức năng, các địa phương trong việc chủ động xây dựng kế hoạch chương trình tại địa phương mình giám sát, hy vọng năm 2019 công tác chuyển đổi cây trồng có thêm nhiều thắng lợi, góp phần phát triển kinh tế xã hội, chống chịu với biến đối khí hậu ngày càng gay gắt thời gian tới./.

Cơ Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận