Tham gia lớp học có 30 học viên là cán bộ Trạm Khuyến nông và cộng tác viên Khuyến nông của 05 huyện: Thanh Sơn, Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê và Đoan Hùng. Trực tiếp giảng dạy cho khóa học là giảng viên của Trường Đại học Hùng Vương, có chuyên môn và kinh nghiệm, đã truyền đạt những kiến thức cần thiết nhất để có thể áp dụng vào thực tế sản xuất.

Tại khóa học, học viên đã được hướng dẫn, trao đổi và thảo luận các nội dung kiến thức liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học; phương pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh cho gà, đồng thời trực tiếp thực hành trên mẫu vật như: mổ khám chẩn đoán; pha thuốc, vắc-xin; kỹ thuật tiêm chủng cho gà các lứa tuổi…

Hướng dẫn học viên thực hành kỹ thuật tiêm chủng trên gà thịt

Ngoài nội dung lý thuyết và thực hành, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ đã tổ chức cho học viên tham quan thực tế mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ của Hợp tác xã chăn nuôi An Phú tại xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, quy mô 14.000 con, cho hiệu quả kinh tế cao. Tại đây học viên đã được giải đáp thắc mắc, thu thập những kiến thức thực tế nhất; tìm hiểu và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn về con giống, thức ăn, kinh nghiệm chăn nuôi gà thịt, liên hệ đầu ra cho sản phẩm…

Qua 3 ngày học tập trung và hiệu quả, học viên của khóa học đã được trang bị những kiến thức chuyên môn, những phương pháp và kỹ năng cơ bản trong chăn nuôi, phòng và trị bệnh cho gà, đồng thời tìm hiểu, mở rộng mối quan hệ hợp tác, từ đó có thể hỗ trợ và tư vấn cho người sản xuất, phát huy thế mạnh trong chăn nuôi gà thịt, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho bà con tại địa phương.

Tham quan mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ của Hợp tác xã chăn nuôi An Phú 

 Nguyễn Sơn Tùng

Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ