Những năm gần đây, cùng với chính sách hỗ trợ tiền dầu cho tàu cá đánh bắt xa bờ, ngư dân tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn đầu tư đóng mới thêm nhiều tàu công suất lớn và trang thiết bị đầy đủ, ngư lưới cụ hiện đại để vươn ra khơi xa khai thác hải sản. Anh Phạm Văn Dẩn (thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh) chủ tàu QB 91766TS vừa trở về từ ngư trường Hoàng Sa sau 23 ngày đánh bắt trên biển cho biết: “Bây giờ, nguồn lợi hải sản ở gần bờ dần khan hiếm, nếu không đóng tàu lớn để ra khơi xa khai thác thì sản lượng cũng không được mấy. Hơn nữa, khai thác hải sản trên tàu có công suất lớn, gặp thời tiết xấu như gió cấp 6, cấp 7 chúng tôi cũng an tâm hơn, có thể trụ lại trên biển. Do đó, tôi đã quyết định bán chiếc tàu cũ có công suất 200 CV để đầu tư đóng tàu mới có công suất 450 CV và mua ngư lưới cụ, trang thiết bị trên tàu... với tổng số tiền đầu tư gần 5 tỷ đồng”.

Không chỉ riêng anh Dẩn, ngày càng có nhiều ngư dân tỉnh Quảng Bình đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn. Anh  Phạm Tuyển (33 tuổi, xã Bảo Ninh) chủ tàu QB 91999TS cũng vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày cho biết, gia anh làm nghề đi biển từ bao đời nay. Anh Tuyển đi biển với cha lúc 12 tuổi, đến năm 17 tuổi thì cha cho tôi làm thuyền trưởng tàu công suất 45CV. Đi biển bằng tàu nhỏ, chỉ khai thác ở vùng biển gần bờ, sức lao động bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả mang lại không cao. Sau đó, anh Tuyển đổi tàu với công suất 250CV nhưng mỗi chuyến đi biển chỉ kéo dài 10 đến 15 ngày, trừ hết chi phí còn lãi được 90-120 triệu đồng. Hiện tại, anh  đã đóng tàu mới công suất 600CV với trang thiết bị hiện đại nên có thể hoạt động 20-23 ngày trên biển nhằm tiết kiệm chi phí, sản phẩm đánh bắt cũng được bảo quản tốt hơn. Sau mỗi chuyến đi biển, trừ các chi phí, tàu của anh lãi 400-500 triệu đồng.

Không chỉ đầu tư đóng tàu lớn mà các ngư dân tỉnh Quảng Bình còn đầu tư mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại trên tàu như máy định vị để định hướng vị trí của tàu; máy tầm ngư (máy dò cá) nhằm phát hiện luồng cá; hệ thống thông tin liên lạc tầm xa giúp ngư dân trao đổi thông tin liên lạc giữa tàu và đất liền... Tuy nhiên, nguyện vọng của nhiều người dân có tàu công suất lớn là mong muốn được hỗ trợ để mua thêm máy dò ngang bởi hiện nay đa số ngư dân trong tỉnh sử dụng máy tầm ngư nhưng phạm vi phát hiện luồng cá nhỏ (với bán kính 10 m). Nếu sử dụng máy dò ngang thì phạm vi phát hiện luồng cá khoảng 1 hải lý (1852 m), nhưng giá máy dò ngang rất đắt, từ 300 triệu đồng trở lên.

Ngư dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) đang chuẩn bị ngư lưới cụ để vươn khơi xa bờa

Đối với những ngư dân, họ đóng tàu lớn ra khơi không chỉ là mưu sinh, làm giàu từ biển, mà còn mang theo trách nhiệm của một người dân là bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà thế hệ cha anh đi trước đã đổ biết bao xương máu để gìn giữ. Bất chấp những khó khăn, vất vả, bất chấp những tai ương, địch họa giữa biển khơi, hàng trăm tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Bình vẫn nối tiếp nhau ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Ông Nguyễn Văn Chuẩn, chủ tàu QB 93977TS (53 tuổi, Xuân Lộc, Quảng Phúc) đã có gần 40 năm thâm niên đi biển cho biết: Mặc dù nhiều lần bị tàu lạ xua đuổi nhưng tàu của ông không hề nhụt chí mà còn quyết tâm cao hơn với nghề của mình, đồng thời lòng yêu nước thúc giục ông và các thủy thủ cần có trách nhiệm, nghĩa vụ với Tổ quốc. Với ông, biển của mình, mình có quyền khai thác và bảo vệ. Bám biển để mưu sinh, để phát triển kinh tế, ngoài ra, sự hiện diện của những ngư dân tại vùng biển của đất nước còn khẳng định đó là chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ngư dân Quảng Bình quyết tâm dù hoàn cảnh nào cũng một lòng bám biển.

Có thể thấy, dù đi bất kỳ nơi đâu, bất cứ làng biển nào thì ngư dân cũng đồng lòng như vậy. Thế hệ ngư dân trẻ vẫn tiếp nối tình yêu biển đảo, tình yêu quê hương đất nước quyết bám biển, bám ngư trường truyền thống của các bậc tiền nhân để khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Anh Phạm Văn Tứ (29 tuổi, xã Bảo Ninh) tự hào chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tự hào khi đồng hành trên những tàu cá cùng lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay ở ngư trường Hoàng Sa. Đây là ngư trường của chúng ta, chúng ta có quyền được khai thác. Bám biển để mưu sinh, bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo, vậy thì tại sao chúng tôi lại không bám biển chứ…”

Đặc biệt, điều khiến cho ngư dân cảm thấy an tâm, phấn khởi khi chủ động vươn ra khơi xa là ngoài những chính sách của Nhà nước, của tỉnh thì chính quyền địa phương đã quan tâm thiết thực tới ngư dân như: động viên, thăm hỏi những ngư dân đánh bắt xa bờ, vận động chủ tàu tham gia thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển nhằm tập hợp các tàu lại với nhau để phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, phòng chống bão, cứu hộ, cứu nạn hay đối phó với sự uy hiếp của tàu nước ngoài.

Về thăm làng biển Đức Trạch (Bố Trạch) những ngày đầu năm mới Ất Mùi, trong không khí nô nức mở cửa biển đầu năm, ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch phấn khởi cho biết, với 1.723 hộ và 7.547 khẩu nhưng Đức Trạch đang có hơn 2.100 ngư dân đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Hoàng Sa và hơn 500 ngư dân đánh bắt gần bờ. Đức Trạch cũng là một trong những địa phương có tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở tỉnh Quảng Bình với 276 tàu lớn.

Và với những chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, nhất là Nghị định 67/2014/NĐ-CP đang được tỉnh Quảng Bình nỗ lực thực hiện đang là “cú hích” để ngư dân toàn tỉnh vững tin vươn khơi...

Ngọc Lan

Trung tâm KN-KN Quảng Bình