Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm tăng cường công tác thông tin, truyền thông giúp người chăn nuôi chuyển đổi phát triển một số vật nuôi khác thay thế cho sản phẩm thịt lợn, ưu tiên phát triển các chuỗi sản phẩm thịt gà và vật nuôi bản địa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức đoàn công tác đến từ 11 đơn vị truyền thông đi thực tế tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình với sự phối hợp của Văn phòng Bộ, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y.

Đoàn đã đi thăm Trại gà giống bố mẹ, Nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty TNHH Ba Huân tại Hà Nội và Hợp tác xã chăn nuôi gà Lạc Thủy tại tỉnh Hòa Bình. Đây là những mô hình liên kết chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học đảm bảo cho các hộ dân, người chăn nuôi, doanh nghiệp tham gia chuỗi phát triển bền vững từ con giống, quy trình, tổ chức sản xuất, kiểm soát dịch bệnh và tổ chức thị trường. Đây là hướng đi giúp cho các nông hộ và các doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập từ chăn nuôi trong thời điểm hiện nay.

Đoàn tham quan mô hình đóng hộp thành phẩm sản phẩm trứng tại Nhà máy xử lý trứng gia cầm Ba Huân

Tham quan Nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty TNHH Ba Huân tại Hà Nội cho thấy, quy trình xử lý trứng của Ba Huân trải qua 8 công đoạn: rửa trứng; sấy khô; chiếu tia UV diệt khuẩn; soi tìm trứng hư, nứt; áo một lớp dầu bảo vệ giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào trong trứng; in nhãn hiệu và ký hiệu để truy xuất nguồn gốc từng quả trứng; cân trọng lượng và đóng hộp thành phẩm. Được biết, các thiết bị xử lý trứng tự động hóa 100% được công ty nhập về từ hãng Moba - Hà Lan, hãng đứng đầu thế giới về các thiết bị xử lý trứng gia cầm, qua đó các sản phẩm trứng được xử lý và diệt khuẩn đạt chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm. Với công suất mỗi ngày cung ứng ra thị trường từ 600.000 - 1 triệu quả trứng, trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Ba Huân không đủ khả năng đáp ứng do vậy Nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân đã chọn cách liên kết với các hộ chăn nuôi tại các huyện ở thành phố Hà Nội và địa phương lân cận dưới dạng vệ tinh, trang trại đối tác. Tham gia chuỗi liên kết của Nhà máy, các hộ, doanh nghiệp tập trung sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản xuất sản phẩm đạt chất lượng - an toàn; Nhà máy bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

Đoàn quan sát quy trình xử lý trứng của Ba Huân

Đoàn đã đến thăm mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại Hợp tác xã chăn nuôi gà Lạc Thủy, xã An Bình, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Anh Bùi Đông Giang - Giám đốc Hợp tác xã cho biết, giống gà Lạc Thủy là giống gà bản địa, có bộ lông mọc sớm nên sức chống chọi thời tiết tốt, thích hợp nuôi cả 4 mùa trong năm, thời gian nuôi gà thịt khoảng 4 - 4,5 tháng. Gà chăn nuôi tốt ở phương thức nuôi nhốt và chăn thả, thích hợp với quy mô nuôi hộ gia đình, trang trại và bán trang trại. Chất lượng thịt gà thơm ngon, dai ngọt và dễ tiêu thụ. Tham gia vào Hợp tác xã, các hộ nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, chuỗi liên kết, đảm bảo từ khâu chuồng trại đến tiêu thụ nên gà có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Hiện, gà Lạc Thủy đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chất lượng 4 sao, là địa chỉ cung cấp gà thịt sơ chế cho các nhà hàng, siêu thị. Tính đến nay, Hợp tác xã chăn nuôi gà Lạc Thủy đã liên kết hỗ trợ đầu ra, đầu vào khoảng 7.000 hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh. Bình quân 01 ngày Hợp tác xã cung ứng 10.000 con gà ra thị trường giúp các hộ chăn nuôi có thu nhập khá ổn định.

Các phóng viên tác nghiệp tại Hợp tác xã gà Lạc Thủy

Qua chuyến tham quan thực tế tại các mô hình đã giúp các phóng viên, nhà báo nắm bắt và tuyên truyền trên 20 tin, bài về các mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học trên các phương triện truyền thông đại chúng góp phần bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm 2019, đảm bảo phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Hải Đường

Ảnh: Hoa Trà