Với quan điểm hợp tác công tư (PPP), xã hội hóa hoạt động khuyến nông là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông, giúp phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị hướng đến sản xuất bền vững, tăng thu nhập cho người nông dân, trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hiệp hội, đoàn thể tham gia vào công tác khuyến nông để phát huy tối đa sức mạnh của các Bên với mục tiêu cuối cùng là giúp người nông dân tiếp cận được với công nghệ, thị trường và các hoạt động khuyến nông một cách nhanh nhất.

Đây là chia sẻ của PGS.TS Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Hội thảo "Tăng cường năng lực hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông" được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh Hội thảo

 

Vai trò của hệ thống khuyến nông trong hợp tác công tư:

Hệ thống khuyến nông Việt Nam đã hình thành và phát triển gần 30 năm, được đánh giá là một trong những hệ thống khuyến nông mạnh trong khu vực và đóng góp lớp cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên nếu chỉ sử dụng nguồn kinh phí của Chính phủ thì chưa thể khai thác hết nguồn năng lực của hệ thống. Vì vậy, mở rộng hợp tác PPP sẽ giúp tăng cường nguồn lực đóng góp từ các đối tác để hệ thống khuyến nông khai thác được hết công suất, đem lại nguồn lợi trực tiếp cho sản xuất.

Ghi nhận về vai trò của khuyến nông trong hợp tác công tư qua đánh giá của một số đại biểu tham dự Hội thảo:

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: "Không nên nghĩ đơn thuần khuyến nông là cầu nối từ công tác nghiên cứu chuyển giao đến các doanh nghiệp, đến người nông dân mà khuyến nông là nền tảng và đầu ra mà người nông dân mong muốn nâng cao giá trị nông sản. Hoạt động khuyến nông với tầm nhìn và hoạt động rất rộng lớn, nếu tích hợp lại cùng với sự đóng góp của các cơ quan chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội và nông dân với mục đích sản xuất nông nghiệp ngày càng tốt hơn, hoàn chỉnh hơn và bền vững hơn."

Ông Đinh Phạm Hiền – Vụ HTQT – Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng hợp tác PPP rất quan trọng và cần thúc đẩy vì nguồn lực của khối công không đủ để triển khai tất cả các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, do vậy hợp tác PPP là hình thức để bổ sung thêm nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ và kết nối các chuỗi nông sản trong nước với thị trường toàn cầu. Trong hợp tác PPP, vai trò của khuyến nông hết sức quan trọng. Năm 2020, Bộ Nông nghiệp đã giao Trung tâm KNQG là trưởng 2 nhóm ngành hàng về sản xuất lúa gạo và chăn nuôi gà. Trung tâm Khuyến nông QG cũng là thành viên tích cực của các nhóm ngành hàng khác. Để chuyển giao các giải pháp công nghệ của các ngành hàng tới người nông dân thông qua hệ thống khuyến nông là nhanh nhất vì khuyến nông có hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Ông mong muốn thời gian tới hệ thống khuyến nông cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác PPP để tiếp tục chuyển giao và nhân rộng các mô hình thành công từ các nhóm ngành hàng và phối hợp với PSAV phát triển bộ tài liệu NSC sản xuất bền vững quốc gia và phổ biến cho người sản xuất.

Ông Dave D’haeze - Giám đốc Quỹ Newman – Châu Á Thái Bình Dương: "Vai trò của khuyến nông vô cùng quan trọng trong triển khai Dự án phát triển cà phê bền vững. Chúng tôi luôn chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ và nông dân. Cách tổ chức sự kiện, cách tiếp cận của khuyến nông rất tốt góp phần giúp nông dân tối ưu hóa việc bón phân, giảm xói mòn, bảo vệ môi trường, có năng suất cao và mang lại thu nhập cho người nông dân".

Ông Jens Trefner – Cố vấn trưởng Dự án GIC - Tổ chức GIZ Đức: "Khuyến nông là một trong những lĩnh vực trọng điểm trong hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi đang thực hiện hỗ trợ sự phát triển của ĐBSCL, đặc biệt là chuỗi lúa gạo với mục tiêu làm sao để nông sản Việt Nam canh tranh được trên thị trường quốc tế. Để hỗ trợ sản xuất lúa gạo một cách bền vững, chúng tôi thấy rằng vai trò cùa khối công là vô cùng quan trọng, làm thế nào để tăng cường năng lực cho khối này và để cho hoạt động sản xuất lúa gạo là hoạt động thương mại. Một trong cách tiếp cận của GIZ là chúng tôi tập trung vào hỗ trợ liên kết và xác định vai trò của các bên. Thời gian tới chúng tôi sẽ có các hoạt động nâng cao năng lực cho các bên tham gia ngành hàng lúa gạo để các sản phẩm lúa gạo ngày càng chất lượng và bền vững".

Lê Thanh Hùng – công ty Nedspice (Hà Lan): Nedspice có 23 nhà máy ở Bình Dương và Bình Phước hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Trước yêu cầu của thị trường, từ năm 2010, công ty đã hợp tác với hệ thống Khuyến nông và tổ chức IDH để tối ưu hóa năng lực của các bên. Trong đó Nedspice chịu trách nhiệm cho các vấn đề về thị trường, hệ thống khuyến nông phối hợp với IDH xây dựng tài liệu tập huấn phù hợp với yêu cầu của thị trường và tổ chức tập huấn cho nông dân. Khi làm việc với số lượng nông dân lớn, Nedspice phối hợp với hệ thông khuyến nông để quảng bá truyền thông và đánh giá đây là con đường ngắn nhất đưa người sản xuất đến gần hơn với thị trường.

Hợp tác PPP hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững – Góc nhìn của các doanh nghiệp

Ông Phạm Huy Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Syngenta Việt Nam

Phát triển bền vững cần quan tâm đến các yếu tố sản xuất phải an toàn. 30 năm qua, Syngenta đã phối hợp chặt chẽ với nhiều đơn vị, tổ chức đưa các chương trình an toàn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dư lượng trong nông sản, huấn luyện nông dân để sản xuất 200 – 300 nghìn tấn gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu. Hợp tác giữa công ty Syngenta và Trung tâm KNQG nhân rộng mô hình sản xuất lúa đảm bảo chất lượng là một điểm nhấn thể hiện sự hợp tác thành công giữa khối công và khối tư nhằm góp phần nâng tầm hạt gạo Việt Naml.

Ông Đinh Công Nghiệp - PGĐ Điều hành Cty TNHH DVNN Lộc Trời:

Để phát triển nông nghiệp bền vững cần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao giá trị của hạt gạo, nâng tầm hạt gạo trên thị trường thế giới. Công ty Lộc Trời phối hợp với khuyến nông để làm tốt chương trình này.

Ông Phạm Anh Cường đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền: Năng suất lúa của Việt Nam gần như đạt trần, chúng ta cần cố gắng làm sao chất lượng của hạt gạo xuất khẩu đạt cao. Bình Điền đi theo hướng đầu tư chất lượng phân bón cao và đầu tư mang tính chất chuyên sâu cho từng loại nhóm cây trồng, phù hợp với từng loại đất để giảm chi phí của người dân. Mục tiêu của Bình Điền là trao cho người dân một gói giải pháp công nghệ, từ giải pháp này tự người dân trở thành chuyên gia nông dân. Sau mỗi vụ tổng kết canh tác lúa thông minh Bình Điền lựa chọn ra những nông dân xuất sắc, nông dân giỏi, có kinh nghiệm đi tham quan học tập nước ngoài để nâng tầm kiến thức của nhóm chuyên gia nông dân, thúc đẩy các nông dân khác tham gia và học hỏi theo, tạo ra sự lan tỏa để giúp phong trào của nông dân lan rộng hơn nữa. Trong chủ trương phát triển bền vững, Bình Điền hướng tới đưa vấn đề hữu cơ vào cơ cấu phân bón để nâng cao chất lượng nông sản để đạt được phát triển nông nghiệp bền vững. 

Bà Nguyễn Thị Hằng – chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề: Năm nay là năm thứ ba Tập đoàn triển khai đề án ứng dụng công nghệ cao trong cho người nuôi tôm với sự hỗ trợ của Trung tâm KNQG và Trung tâm khuyến nông 5 tỉnh (Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh) giúp bà con nông dân tái tạo sản xuất. Định hướng thời gian tới, Công ty sẽ chuyển giao TBKT, đào tạo, thông tin tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người nông dân, đào tạo họ thành những người nông dân chuyên nghiệp, giúp họ thay đổi tư duy theo định hướng thương mại, cắt bớt khâu trung gian trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ, giảm hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường.

Tại Hội thảo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Bồ Đề, Tổ chức Human Social International (HIS) về phúc lợi động vật, Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP). Theo đó hai bên hợp tác tổ chức các khóa đào tạo, hội nghị hội thảo kỹ thuật, hướng dẫn chuyển giao, xây dựng mô hình trình diễn, phát triển bộ tài liệu nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông và nông dân để hướng tới sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia luôn tạo mọi điều kiện cho các đối khác tham gia vào hệ thống khuyến nông. Dự kiến cuối quý I/2021, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ công bố Bộ nhận diện của KNVN là cơ sở quan trọng để các đối tác, các doanh nghiệp các khôi vào cuộc, đồng hành và tham gia vào hệ thống khuyến nông.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp, tổ chức nhằm phát huy sức mạnh của các Bên

 

 

Một số khung ngoài lề:

Khung 1

Năm 2020 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng với các bên đã đưa ra bản nguyên tắc hợp tác công tư là kim chỉ nam cho các hoạt động hợp tác, tạo động lực và khuyến khích đầu tư tư nhân, xã hội hóa hoạt động khuyến nông, đa dạng hóa hoạt động khuyến nông để huy động nguồn lực từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động khuyến nông thông qua cơ chế hợp tác công tư với 5 nguyên tắc, đó là: Hợp tác, bình đẳng, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự nguyện và trách nhiệm của các bên; Chú trọng đến vấn đề về sử dụng nguồn vốn minh bạch, hiệu quả, phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế; Có cơ chế giám sát tài chính chặt chẽ trong quá trình triển khai, theo yêu cầu và thống nhất giữa các bên; Tăng cường công khai minh bạch thông tin; Tạo môi trường thuận lợi tốt nhất để thực hiện các hoạt động hợp tác PPP, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững (Quyết định 162/KN-ĐTHL ngày 25/8/2020).

Khung 2

Năm 2020 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ký kết hợp tác với 14 doanh nghiệp, đối tác để huy động nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả của khuyến nông trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và đã mang lại những thành công đáng chú ý cả về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Hợp tác PPP giúp hỗ trợ người sản xuất vật tư nông nghiệp, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho nông dân cả nước về sản xuất nông nghiệp bền vững, sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; Bồi dưỡng cho người dân kiến thức về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm để sản xuất nông nghiệp sạch, sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người dân và bảo vệ môi trường; Nâng cao kiến thức cho người dân về biến đổi khí hậu (hạn, hán, xâm nhập mặn), canh tác lúa/ ngô bền vững, sức khỏe cho nông dân hay kiến thức về phòng chống dịch bệnh Covid…

Khung 3

Huy động nguồn lực từ các tổ chức để hỗ trợ nông dân 5 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ năm 2020, góp phần giúp người dân khôi phục sản xuất.

+ Công ty TNHH Khoa học Việt Đức tặng 1 tỷ đồng cho 5 tỉnh miền trung (Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Hà Tĩnh).

+ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề trao tặng sản phẩm Bồ Đề - Mother water tài trợ 5 tỉnh vùng lũ trị giá 10 tỷ đồng.

Khung 4

Tăng cường kiến thức về giới cho hệ thống khuyến nông

Hướng dẫn lồng ghép giới trong các hoạt động khuyến nông thông qua hợp tác PPP giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới (UN Women tại Việt Nam) nhằm ưu tiên hỗ trợ để trao quyền cho phụ nữ và tăng cường khả năng tiếp cận từ các cơ hội kinh tế, tài nguyên, khuyến nông, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Khung 5

Tăng cường hợp tác PPP với các đối tác nước ngoài để thực hiện các dự án hợp tác quốc tế: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng các dự án hợp tác quốc tế như dự án Chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị gia tăng nông sản và quản lý trang trại bền vững thông qua tăng cường chuỗi giá trị thực phẩm (Nguồn kinh phí JICA); Xây dựng dự án: Sản xuất vừng bền vững tại Việt Nam, nguồn kinh phí Hàn Quốc. Hợp tác với Tổ chức Humane Society International (HIS) tổ chức lớp tập huấn về phúc lợi động vật cho cán bộ khuyến nông các nước ASEAN. 

 

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia