Toàn tỉnh hiện có 187,76 ha trồng hoa, đáp ứng nhu cầu về sở thích chơi hoa của người dân trong tỉnh và đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người trồng. Các giống lan được trồng phổ biến hiện nay gồm Denbrobium, Mokara, Hồ Điệp…, đặc biệt là lan Ngọc Điểm. Chi phí đầu tư ban đầu để trồng lan rất cao, khoảng 700 triệu đồng/1.000m2, bao gồm chi phí giống, nhà màng, hệ thống tưới… Lan Ngọc Điểm sau khi trồng 18 tháng là có thể thu hoạch bán ra thị trường, được tiêu thụ theo hình thức bán giống với giá bán ra từ 300.000- 350.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, người trồng có lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/1.000m2.

Toàn cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, nông dân được ông Trần Thanh Tòng – Chủ nhiệm Hội Hoa lan- Cây cảnh huyện Hòa Thành, hội viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tây Ninh- hướng dẫn phương pháp chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa lan Ngọc Điểm; giải đáp thắc mắc, chia sẻ một số kinh nghiệm khi trồng lan để lan phát triển tốt, ra hoa đẹp: giữ vườn sạch sẽ, làm vòi phun sương, thường xuyên giữ ẩm. Lan là cây ưa ánh nắng vừa phải, nếu nắng gắt sẽ làm cháy lá; còn thiếu nắng, cây ốm yếu, lá mỏng, hoa nhỏ hoặc không ra hoa… Bên cạnh đó, mật độ trồng lan cũng không nên quá dày để cây có không gian thoáng mát, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Kết Hội thảo, nông dân tham dự được tham quan thực tế mô hình trồng lan Ngọc Điểm có diện tích 10.000 m2 của ông Lê Duy Hạnh, tại ấp Tân Trung, xã Tân Hà, huyện Tân Châu. Thông qua buổi Hội thảo, người trồng lan có thêm kinh nghiệm chăm sóc, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng lan.

Nguyễn Duy Thái Sơn

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh