Trong những năm qua, mặc dù sản xuất nông lâm thủy sản gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra, diễn biến thời tiết bất thường và giá cả sản phẩm gia súc, gia cầm luôn biến động nhưng nhìn chung ngành chăn nuôi vẫn phát triển ổn định. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 218.480 con heo (lợn); 10.000 con trâu; 100.000 con bò (bò thịt 85.400 con, bò sữa 14.600 con); 8.935.000 con gia cầm (đàn gà thịt 5.539.820 con; đàn gà trứng 2.683.380 con); 611 hộ với 676 nhà nuôi chim yến. Cơ cấu chăn nuôi đang tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học.

Toàn cảnh hội thảo

 

Trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng, tiến bộ khoa học kỹ thuật có vai trò rất quan trọng, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi góp phần tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng, gia tăng hiệu quả kinh tế, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Tại hội thảo, Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hiền – Phó Trưởng phòng Kế hoạch, Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông đã trình bày quy trình chăn nuôi, phòng trị bệnh trên các loài vật nuôi phổ biến ở quy mô hộ gia đình như heo, gà, bò và một số tiến bộ khoa học như kỹ thuật phối trộn thức ăn chăn nuôi, áp dụng quy trình chế biến phụ phẩm nông nghiệp dưới dạng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh được lên men, giúp tiết kiệm được chi phí thức ăn từ đó gia tăng lợi nhuận trong chăn nuôi.

Hội thảo đã tạo điều kiện cho hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ nắm bắt được tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương pháp chăn nuôi đáp ứng các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường,… để ứng dụng trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Nguyễn Duy Thái Sơn

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh