Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

Thủ tướng cũng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ nếu để dịch tả lợn châu Phi lây lan.

 “Các tỉnh chưa có dịch càng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để ngăn chặn dịch bệnh. Bộ Thông tin và Truyền thông phải tăng cường thông tin cho người dân hiểu và ngăn chặn dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nếu việc thanh toán cho người dân chưa phù hợp thì phải đề xuất với Chính phủ. Thủ tướng ủng hộ phương án hỗ trợ cao hơn cho người dân có lợn bị chết do dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp từ 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy, bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên, chỉ sau hơn một tháng, dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại 7 tỉnh, thành phố ở phía Bắc.

Tính tới ngày 3/3/2019, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Về vi rút dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y cho biết, đã giải trình tự gien của vi rút  gây bệnh trên lợn tại Việt Nam, kết quả cho thấy giống 100% chủng vi rút dịch tả lợn châu Phi gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, tại Việt Nam hiện phần lớn vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, đan xen trong khu dân cư, trong khi các hộ chăn nuôi lại khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Cùng với đó, hoạt động thương mại, giết mổ lợn trong nước tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn nghi bệnh, lợn chết từ các địa phương có dịch bệnh sang các địa phương chưa có dịch bệnh cũng khiến việc kiểm soát dịch gặp khó khăn..

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất với Chính phủ trong thời gian tới chỉ đạo các bộ, ngành thành lập các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 04/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương và các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi; đặc biệt là các ngành Công an, Quân đội, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cơ quan hải quan các cấp... siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn; đồng thời sẵn sàng tham gia ứng phó, hỗ trợ việc xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn khi dịch bệnh lây lan diện rộng, tiêu hủy lợn với số lượng lớn…/.

Thành Trung

TTXVN