Tham dự tọa đàm có các chuyên gia, khách mời đến từ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp Huế, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị trực thuộc Sở và 20 bà con nông dân ở các địa phương trồng bưởi Thanh Trà tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Toàn cảnh tọa đàm

 

Trong những năm gần đây, diện tích cây bưởi Thanh Trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tăng nhanh, diện tích đạt gần 1.100 ha. Tuy nhiên, các trận mưa lũ liên tiếp vào cuối năm 2020 làm gần 600 ha bị ảnh hưởng; trong đó, nhiều diện tích bị mất trắng, tập trung ở Hương Vân (Hương Trà), Phong Thu (Phong Điền) và Thủy Biều (TP. Huế).

Nhằm giúp bà con nông dân giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển cây bưởi Thanh Trà bền vững; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về hiệu quả của cây bưởi Thanh Trà, đồng thời giới thiệu những tiến bộ kỹ thuật áp dụng; Tạo điều kiện cho nông dân được trao đổi thảo luận với các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên Huế tổ chức Tọa đàm.

Tại tọa đàm đã có 18 câu hỏi mà bà con nông dân và khách mời quan tâm, trao đổi, tập trung vào các nội dung: chủ trương chính sách và giải pháp khoa học công nghệ trong việc duy trì và mở rộng diện tích bưởi Thanh Trà theo hướng bền vững như phương pháp phòng trừ sâu, các giải pháp về giống, biện pháp để quản lý và nâng cao chất lượng giống cho bà con trồng có hiệu quả, thiết kế vườn vườn và xử lý đất trước khi trồng lại bưởi Thanh Trà, sử dụng phân bón và chế phẩm sinh học trong trồng bưởi Thanh Trà…

Ngoài ra, các chuyên gia, khách mời còn phân tích, giới thiệu cho bà con nông dân về hiệu quả của cây bưởi Thanh Trà, giới thiệu những tiến bộ kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, phục hồi diện tích bưởi Thanh Trà theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ban chỉ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

 

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Long An, phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên Huế đánh giá: Hiện nay cây bưởi Thanh Trà là một loại cây trồng đặc sản và được bà con nông dân lựa chọn trồng tại cac địa phương. Tuy nhiên, việc áp dụng KHKT ở các địa phương còn chưa đồng bộ nên một số diện tích hiện nay bị suy thoái. Vì vậy các địa phương khi phát triển cần chú ý đến việc đảm bảo tưới tiêu, lựa chọn giống phù hợp; xây dựng mô hình chuỗi liên kết giữa người trồng và doanh nghiệp; điều quang trọng nhất là người dân sản xuất được sản phẩm an toàn để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người trồng bưởi Thanh Trà cần tham gia hợp tác để cùng nhau sản xuất sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tiến tới xây dựng thương hiệu. Nếu làm được điều đó, người tiêu dùng mới yên tâm sử dụng và làm tăng giá trị cho cây bưởi Thanh Trà và đưa cây bưởi Thanh Trà trở thành nông sản chủ lực của vùng./.

Nguyễn Bình

Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế