Hiện nay, rét Nàng Bân rất điển hình, thời tiết diễn biến âm u, độ ẩm cao, mưa phùn kéo dài, có nguy cơ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các loại sâu hại bùng phát trên lúa đông xuân tại các tỉnh phía Bắc, nhất là bệnh đạo ôn.

Trong khi đó, lúa đông xuân hiện đang trong giai đoạn làm đòng - đến trỗ, nhất là vùng Bắc Trung Bộ lúa có khả năng trỗ tập trung trong tháng 4/2020, đúng giai đoạn có thể xảy ra rét muộn, thời tiết không nắng, âm u, độ ẩm cao, nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông… Bên cạnh bệnh đạo ôn, khi lúa trỗ, có nguy cơ phát sinh bệnh bạc lá.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh vụ đông xuân là vụ lúa đặc biệt quan trọng, chiếm trên 60% tổng sản lượng lúa cả năm.

“Ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả. Vì vậy, đây là giai đoạn rất nhạy cảm, có tính quyết định tới thắng lợi của vụ đông xuân”, Bộ trưởng lưu ý.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến thời điểm này, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá tại các tỉnh Bắc Trung Bộ khoảng 3.610 ha (tăng 178% so cùng kỳ năm trước), trong đó nặng 245 ha, cháy chòm 18,5 ha; phân bố tại Thanh Hóa 11,23 ha, Nghệ An 1.830,7 ha (nặng 179,3 ha, cháy chòm 18,5 ha), Hà Tĩnh 775 ha (nặng 57,7 ha), Quảng Bình 426 ha, Quảng Trị 567 ha (nặng 8 ha).

Bệnh đạo ôn cổ bông đã phát sinh gây hại trên diện tích nhiễm 204,2 ha (tăng 283% so cùng kỳ năm trước), trong đó nặng 1 ha; phân bố tại Nghệ An 1,2 ha, Quảng Bình 10 ha, Huế 193 ha (nặng 1 ha).

Bên cạnh bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ đã phát sinh trên diện tích nhiễm 4.281 ha (tăng 115% so cùng kỳ năm trước), trong đó nhiễm nặng 58,2 ha, mật độ phổ biến 3-15 con/m2, cao 20-70 con/m2; Phân bố tại Thanh Hóa 2 ha, Nghệ An 601 ha (nặng 7 ha), Hà Tĩnh 47 ha, Quảng Bình 1.004 ha (nặng 10 ha), Quảng Trị 126 ha, Thừa Thiên Huế 2.501 ha…

Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh gây hại từ đầu tháng 3/2020 trên trà lúa sớm và tăng nhanh, gây hại nặng từ cuối tháng 3 đến nay.

Bệnh gây hại trên lá, cổ lá đòng ở hầu hết các tỉnh trong vùng trên các giống nhiễm: BC15, J02, TBR225, nếp thơm… tỷ lệ phổ biến 1-5%, cao 10-20%, cá biệt 70-80% số lá. Diện tích nhiễm 9.948 ha.

Các tỉnh có bệnh xuất hiện phổ biến như Thái Bình, Hà Nội, Điện Biên, Phú Thọ, Lai Châu, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Lào Cai...

Rầy nâu, rầy lưng trắng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng và Trung du Miền núi phía Bắc cũng đang bùng phát mạnh với tổng diện tích nhiễm rầy lứa 1 là 1.156 ha (tăng 1.043 ha so cùng kỳ năm trước), hại diện hẹp giai đoạn cuối đẻ - phân hóa đòng mật độ phổ biến 50-100c/m2, cao 200-500c/m2, cá biệt 800-1.500c/m2 tại một số tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Ninh. Các tỉnh Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình mật độ phổ biến 10-20 c/m2, cao 30-50 c/m2, cá biệt 100-300 c/m2.

Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 vũ hóa rộ từ đầu đến giữa tháng 3/2020, sâu non hại từ giữa đến đến cuối tháng 3/2020 trên lúa xuân sớm, xuân chính vụ phát triển sớm giai đoạn đẻ rộ với diện tích nhiễm 5.662 ha (tăng 5.568 ha so cùng kỳ năm trước).

Thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả

 

Để bảo vệ tốt các trà lúa vụ Đông xuân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thừa Thiên Huế trở ra và các cơ quan thuộc Bộ chủ động chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 2380/CT-BNN-BVTV ngày 3/4/2020 về tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại trên lúa Đông xuân ở các tỉnh phía Bắc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh các tỉnh, thành phố phía Bắc và các cơ quan liên quan cần tập trung theo dõi các loại sinh vật gây hại chủ yếu trên các cây trồng khác như: sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh khảm lá sắn, châu chấu tre lưng vàng, châu chấu sa mạc… Đồng thời, xử lý ngay khi mới xuất hiện, không để phát triển thành dịch.

Theo báo NNVN