Tham dự buổi khai giảng có đại diện Phòng Đào tạo huấn luyện - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; cán bộ, lãnh đạo Công ty Cổ phần Giống gia súc Thanh Ninh, cùng đại diện chính quyền địa phương.

Đa số học viên tham gia khóa tập huấn là các cán bộ tương đối trẻ, hiện đang làm công tác chăn nuôi thú y cơ sở; một số học viên đến từ các các huyện chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong việc thụ tinh nhân tạo cho bò. Đến với khóa tập huấn này, học viên có nhiều cơ hội thực hành; có khả năng thành thạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho gia súc và tham gia thực hiện tốt công tác cải tạo đàn giống thông qua việc sử dụng kỹ thuật TTNT khi kết thúc khóa tập huấn.

Tại buổi khai giảng, TS. Lê Hồng Sơn – PTP Đào tạo huấn luyện - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trao đổi với học viên, ban tổ chức về nội dung, kế hoạch và công tác tổ chức khóa tập huấn… TS. Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, đây là hoạt động cần thiết nhằm nâng cao chất lượng thực hiện của các đơn vị tham gia công tác tập huấn khuyến nông hằng năm.

Công ty Cổ phần Giống Gia súc Thanh Ninh (trụ sở tại Thanh Hóa) là đơn vị chuyên làm công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc. Đặc biệt, có đội ngũ chuyên gia đã từng tham gia các dự án cải tạo giống gia súc, trong đó chủ yếu là kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho bò. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác thụ tinh nhân tạo cho bò có thâm niên và kỹ năng cao; có đầy đủ điều kiện về vật tư, gia súc phục vụ thực hành cho học viên tham gia khóa tập huấn.  

Tham gia phối hợp tổ chức khóa tập huấn lần này, Cổ phần Giống Gia súc Thanh Ninh bố trí đón tiếp học viên; chuẩn bị đầy đủ tài liệu, vật tư thực hành cho học viên trong quá trình tập huấn. Thiết kế chương trình tập huấn kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại hiện trường, bảo đảm cho học viên nắm chắc lý thuyết và thực hành trực tiếp ngay trên đàn gia súc của Công ty.  

Trao đổi tại buổi khai giảng, chị Hà Thị Nhâm, ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa – học viên lớp tập huấn, cho biết: Nội dung lớp tập huấn rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại địa phương, đặc biệt là trên địa bàn các huyện miền núi của Thanh Hóa - nơi có đàn gia súc phát triển mạnh nhưng chưa ứng dụng nhiều các tiến bộ kỹ thuật như TTNT. Chị Nhâm hy vọng sau khóa tập huấn tất cả học viên đều nâng cao được kỹ năng thụ tinh nhân tạo cho bò để phục vụ tốt công tác lai cải tạo đàn bò tại địa phương, đem lại năng suất, hiệu quả và tính bền vững trong chăn nuôi đại gia súc của địa phương đạt cao hơn nữa. 

Nguyễn Thị Minh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia