Bình Tân với thế mạnh về nông nghiệp, hằng năm sản xuất trên 13.000 ha khoai lang các loại, gần 2.000 ha hành lá, khoảng 9.000 ha lúa và khoảng 4.000 ha rau cải các loại. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn có chăn nuôi các loại gia súc gia cầm như: heo (khoảng 5.000 con), bò (khoảng 800 con), trâu (10 con), gà (gần 85.000 con), vịt (106.000 con) và lĩnh vực thủy sản chủ yếu là thâm canh cá tra với 24 cơ sở, 96 ao chiếm diện tích khoảng 75 ha. Qua đó, nhận thấy việc triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao được xem là nhiệm vụ hàng đầu của hệ thống khuyến nông từ huyện đến cơ sở.

Thời gian qua, hệ thống khuyến nông Bình Tân tham gia xây dựng một số mô hình cả trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, qua đó thúc đẩy hoạt động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác và tận dụng được thế mạnh của địa phương đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. 

Một số mô hình nổi bật đã được khuyến nông Bình Tân thực hiện hiệu quả là: Mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa; Mô hình đưa cây màu xuống ruộng luân canh trên nền đất lúa; Mô hình nuôi cá thát lát cườm ghép với cá sặc rằn; Mô hình chăn nuôi dê, bò an toàn sinh học; Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông Bình Tân đã phối hợp với các đơn vị trong địa phương tổ chức những buổi tư vấn trực tiếp nhằm giúp bà con nông dân cập nhật kiến thức sản xuất nông nghiệp mới, hướng dẫn những chủ trương, chính sách của nhà nước, của địa phương về phát triển sản xuất nông nghiệp giúp nông dân học hỏi và áp dụng vào sản xuất.

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 4 Câu lạc bộ Khuyến nông kiểu mới để nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất và những vấn đề khác trong đời sống xã hội; tạo đầu mối chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên; đồng thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các thành viên trong Câu lạc bộ.

Bên cạnh những mô hình có sức lan tỏa rộng, vẫn còn có những mô hình ở phạm vi qui mô nhỏ nhưng có hiệu quả, song khi khuyến cáo nhân ra diện rộng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về vốn, thị trường, tích tụ đất.

Tổng kết những mặt được và chưa được trong xây dựng mô hình chuyển giao TBKT trong thời gian qua, rút ra một số bài học kinh nghiệm cũng là những giải pháp để nhân rộng mô hình khuyến nông trong thời gian tới. Những bài học đó là:

- Chú trọng công tác lập kế hoạch cho hoạt động xây dựng mô hình hàng năm, lựa chọn các mô hình mang tính cấp thiết, có tiềm năng thị trường, có khả năng nhân rộng để ưu tiên thực hiện.

- Chọn đúng đối tượng là những hộ dân có nhu cầu áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, có đủ trình độ, năng lực, kiến thức thực tiễn và tiềm lực kinh tế đáp ứng được yêu cầu kinh tế kỹ thuật đặt ra cho mô hình trình diễn, lựa chọn địa điểm quy mô thực hiện phù hợp với từng địa phương, đảm bảo khả năng nhân rộng mô hình.

- Trong sản xuất nông nghiệp, thời vụ, thời điểm là một trong những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến năng suất chất lượng sản phẩm. Để đảm bảo thời vụ, thời điểm thì cần vận dụng cơ chế chính sách linh hoạt, thông qua việc ký kết biên bản thoả thuận phối hợp thực hiện mô hình với nông dân.

 - Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ mới. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ Khuyến nông và mở rộng hoạt động tư vấn các tiến bộ kỹ thuật ở nông thôn. Ngoài nhiệm vụ tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật còn phải đảm nhận cả hoạt động tuyên truyền, huấn luyện và nâng cao nhận thức, trình độ của người nông dân đối với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các mô hình khuyến nông có hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh huyện, xã; Xã hội hóa việc chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất dưới các hình thức đa dạng như: phổ biến kinh nghiệm của những người sản xuất giỏi ở địa phương; Các tổ chức đoàn thể ở nông thôn (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh…) lồng ghép việc phổ biến, tuyên truyền tiến bộ kỹ thuật có khả năng phát triển kinh tế địa phương vào hoạt động của mình; Khuyến khích việc thành lập các câu lạc bộ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và các câu lạc bộ cùng chung sở thích ở địa phương.

- Kiện toàn đội ngũ lực lượng trực tiếp làm công tác chuyển giao TBKT nhân rộng mô hình để mỗi khuyến nông viên vừa am hiểu kiến thức chuyên môn, vừa có năng lực làm công tác dân vận, sát sao công tác chỉ đạo tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền đồng thời thúc đẩy nhanh việc nhân rộng các mô hình khuyến nông ở cơ sở, phục vụ thiết thực chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và bền vững.

- Sự lan tỏa của mô hình khuyến nông còn phụ thuộc vào TBKT có phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và khả năng đầu tư của nông dân, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay yêu cầu của thị trường về số lượng, chất lượng sản phẩm quyết định mức độ, quy mô sản xuất; Điều này khẳng định cần phải có sự vào cuộc của nhà nước, doanh nghiệp, cũng như các hiệp hội ngành hàng để quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

- Tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông ngư dân, từng bước tháo gỡ nút thắt trong sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hoá tránh tình trạng được mùa thì mất giá, người nông dân không còn hào hứng để làm theo.

Tóm lại, để các mô hình khuyến nông được thực hiện có hiệu quả và ngày càng nhân rộng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần có giải pháp cụ thể về nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, thị trường đầu ra cho sản phẩm, về cây con giống, về kỹ thuật công nghệ, về năng lực cán bộ khuyến nông cơ sở, quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế cũng như hiệu quả về bảo vệ môi trường của mô hình cần nhân rộng phải cao hơn sản xuất bình thường của người nông dân.

Hồng Thắm

Trạm Khuyến nông Bình Tân, Vĩnh Long