Tại lớp tập huấn, học viên đã được giảng viên của Viện Cây ăn quả miền Nam thông tin các nội dung về tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long tại Việt Nam; đặc điểm thực vật, yêu cầu sinh thái của cây thanh long; thông tin về các giống thanh long trồng phổ biến ở Việt Nam; các phương pháp nhân giống; kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long theo kiểu truyền thống và trồng thanh long cải tiến theo giàn. Sau đó học viên được chia nhóm để thảo luận thực hành tại lớp.

Giảng viên hướng dẫn kỹ thuật buộc cành thanh long

Tham dự khóa tập huấn, ngoài các tiết lý thuyết trên lớp, học viên còn được tham quan thực tế mô hình trồng thanh long theo kiểu truyền thống của hộ ông Nguyễn Hữu Phước tại ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình và tham quan mô hình trồng thanh long cải tiến theo giàn của hộ ông Lưu Vạn Trường tại ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình. Tại đây, học viên được chủ các mô hình chia sẻ kinh nghiệm thực tế, được giảng viên hướng dẫn cách chọn hom giống, nhận dạng các giống thanh long tại vườn thông qua cành và trái, cách tỉa cành già, cành sâu bệnh, nhận diện sâu bệnh hại chính trên vườn, hướng dẫn kỹ thuật vuốt tai, thu hoạch trái, đánh giá và phân loại trái, … Qua tham quan thực tế, các học viên nhận thấy mô hình trồng thanh long cải tiến theo giàn giúp bộ tán thông thoáng hơn, số cành vô hiệu ít, quản lý dịch hại dễ dàng và hiệu quả hơn, khi phun thuốc toàn bộ tán được bao phủ đều (cả mặt trong và mặt ngoài cành); chất lượng trái đạt cao hơn so với mô hình trồng trụ truyền thống.

Ông Lưu Vạn Trường giới thiệu mô hình trồng thanh long cải tiến

Qua lớp tập huấn, học viên được tiếp thu nhiều kiến thức thực sự hữu ích do giảng viên chia sẻ, giúp cho cán bộ khuyến nông, cán bộ nông nghiệp và cộng tác viên khuyến nông cập nhật những kiến thức hay để tuyên truyền, hướng dẫn lại cho bà con nông dân trồng thanh long trên địa bàn cùng áp dụng./.

Diệu Hiền