26 học viên của lớp là cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông, cán bộ chuyển giao cấp xã của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Giảng viên lớp học là chuyên viên của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam.

Phần lý thuyết, học viên được giới thiệu về GAP, TCVN11892-1: 2017 thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; các qui định, thuận lợi, khó khăn trong sản xuất GAP; kỹ thuật thiết kế vườn cam, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam, nhận dạng các bệnh hại trên cây cam và phương pháp phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ, vàng lá greening theo hướng hữu cơ sinh học.

Các học viên được đến tham quan thực tế mô hình trồng cam theo hướng VietGAP tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Chủ vườn đã chia sể kinh nghiệm trồng cam theo VietGAP; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây. Ngoài ra học viên đã thực hành tỉa cành, tạo tán dưới sự hướng dẫn của chủ vườn; thực hành nhận diện các sâu bệnh hại, nhìn đất trồng cam, nhìn cây để bón phân cho phù hợp…

Kết thúc lớp học, học viên có thể vận dụng được vào sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn đối với sức khỏe con người cũng như truyền đạt kinh nghiệm cho các hộ dân có nhu cầu trồng cam.

Học viên tham quan thực tế vườn cam áp dụng VietGAP

Thành Khải

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long