Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh yêu cầu địa phương xảy ra dịch triển khai các biện pháp ngăn chặn tại ổ dịch, tổ chức tiêu hủy đàn gia cầm bệnh. Đồng thời, tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng tại điểm xảy ra dịch và các hộ xung quanh, tổ chức rà soát tiêm phòng đàn gà đang nuôi tại xã có dịch và trên toàn địa bàn tỉnh Bến Tre, đảm bảo đàn gà phải được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Bên cạnh đó, yêu cầu người chăn nuôi khi phát hiện dịch bệnh phải báo ngành chức năng xử lý, chôn lấp gia cầm bệnh đúng cách, không vứt xác gia cầm bệnh ra ngoài môi trường, nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

Ông Trần Quang Thái cho hay, trước đó, đàn gà 1.000 con của hộ ông Mai Trọng Hữu (ngụ ấp An Trạch Tây, xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam) có biểu hiện bệnh cúm, chết hàng loạt. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm và kết quả dương tính với virút H5N6 (chủng vi rút mới xuất hiện tại Bến Tre). Đây là ổ dịch cúm H5N6 lần đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Bến Tre.

Gia đình ông Mai Trọng Hữu cũng mới chăn nuôi gà trong thời gian gần đây, chưa có kinh nghiệm và không thực hiện các giải pháp tiêm phòng nên đã xảy ra dịch bệnh. Do dịch bệnh xảy ra cục bộ nên công tác xử lý kiểm soát bệnh hiệu quả, nguy cơ lan trên diện rộng thấp - ông Thái nhận định.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre khuyến cáo người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh cần tổ chức tiêm phòng định kỳ, nhất là thời điểm chuẩn bị chuyển mùa như hiện nay, nhằm tạo sức đề kháng cho đàn gia cầm.

Tỉnh Bến Tre hiện có tổng số đàn gà nuôi trên toàn tỉnh Bến Tre hơn 5,5 triệu con, tập trung chủ yếu tại các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm. Đa số các hộ nuôi theo hình thức chăn nuôi thả vườn. Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành thú y tỉnh đã tổ chức tiêm phòng hơn 5 triệu liều vắcxin cho đàn gia cầm (chủ yếu là gà) trên địa bàn tỉnh./.

Theo TTXVN