Bên cạnh đó, việc tổ chức tiêm vắc-xin cúm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ. Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng virus mới corona (nCoV) gây ra. Bình Phước là tỉnh có số lượng hộ nuôi gia cầm lớn trong khu vực miền Đông Nam Bộ. Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết, năm 2019, tổng đàn gia cầm trong tỉnh có khoảng 6 triệu con. Gia cầm chăn nuôi theo quy mô trang trại là 2,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 47,7% tổng đàn với 89 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, có 16 trang trại chăn nuôi gia công, 28 trang trại cho các công ty chăn nuôi thuê và 45 trang trại chủ đầu tư tự nuôi. Chăn nuôi gia cầm trong nông hộ khoảng 3,2 triệu con, chiếm 52,3% tổng đàn. Toàn tỉnh có 44 trại chăn nuôi theo hình thức chuồng kín, 45 trại chăn nuôi theo hình thức chuồng hở. Trong 89 trang trại gia cầm, có 05 trại gà đẻ trứng thương phẩm, 05 trại gà giống bố mẹ, 05 trại gà hậu bị, 01 trại vịt giống đẻ trứng, 02 trại vịt thương phẩm và 71 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm.

Thời gian qua, Bình Phước đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm khuyến nông Quốc gia, tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch một cách quyết liệt. Cũng theo ông Trần Văn Phương, việc chỉ đạo, kiểm tra và giám sát tình hình phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm tại địa phương được thực hiện thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, do tính chất và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Cô-vít 19 trên người và dịch cúm trên gia cầm đang có diễn biến phức tạp nên ngành chăn nuôi của tỉnh tăng cường tuyên truyền và kiểm tra giám sát với mật độ dày, nghiêm ngặt hơn. Những trang trại hoặc nông hộ phát hiện gà có triệu chứng bệnh phải lập tức báo cáo cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm, tuyệt đối không để mất an toàn. Tại các trang trại, ngoài các biện pháp áp dụng an toàn sinh học, tỉnh khuyến cáo cần kiểm soát không để mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào. Không mua bán, trao đổi, nuôi nhốt, giết mổ, chế biến thức ăn từ thịt gia cầm từ nơi khác vào trang trại.

Trang trại nuôi gà Mỹ Trắng của Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, tại ấp Thuận Hải, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú là một trong những trang trại chăn nuôi gia cầm lớn trên địa bàn tỉnh, với số lượng nuôi 28.000 con/lứa. Ông Phạm Văn Luận, quản lý trang trại cho biết, gà nuôi theo hình thức gia công, có bác sĩ thú y theo dõi, giám sát. Quy trình chăm sóc 1 ngày cho ăn 2 lần, thức ăn là cám tổng hợp. Toàn bộ thức ăn và nước uống được điều chỉnh theo hệ thống máng dẫn. Chuồng kín luôn được giữ nhiệt độ dao động từ 28 đến 32 độ C, tùy theo ngày tuổi của gà. Các chế độ về tiêm phòng vắc-xin, kháng sinh, khử trùng được thực hiện đảm bảo đúng khoa học.

Đoàn công tác của Trung tâm KNQG và Trung tâm DVNN tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại trang trại gà của Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam

Tại trại chăn nuôi với hơn 1.000 con gà của gia đình anh Mã Tiến Dũng, công tác khử trùng tiêu độc tại trại cũng được tăng cường, đồng thời hạn chế người lạ đến khu vực chăn nuôi. Khi vào chuồng chăm sóc, anh Dũng phải phun dung dịch diệt khuẩn, rắc vôi bột khu vực trước cửa chuồng. Thức ăn của gà được tăng cường hàm lượng vitamin C cũng như chích ngừa vắc-xin đầy đủ.

Mặc dù hiện trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh, tuy nhiên, trong nước và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Công văn số 3584-CV/TU ngày 12-2-2020 về “Chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người”; Công văn số 254/UBND-KT ngày 7-2-2020 của UBND tỉnh về “Khẩn trương tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh”. Trong tháng 2/2020, ngành triển khai công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng trên đàn gia cầm, đảm bảo đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn. Riêng đối với các nông hộ, do tính chất nuôi nhỏ lẻ, phần lớn các hộ chăn nuôi theo hình thức thả trong vườn điều, không có chuồng trại, việc bắt gà để tiêm vắc-xin rất khó khăn. Khắc phục vấn đề này, ngành tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động tiêm phòng cũng như áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học.

Các trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại

Tính đến tháng 01/2020, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 70% trang trại gia cầm được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm và Niu-cát-xơn. Trong đó, các cơ sở chăn nuôi gia cầm của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định. Bình Phước cũng đang xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT để tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Trong năm 2020, tỉnh sẽ đề nghị Cục Thú y công nhận các huyện Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản Bình, TX. Bình Long  và TP. Đồng Xoài là vùng chăn nuôi gà an toàn.

Nguyễn Văn Bắc

Trung tâm khuyến nông Quốc gia