Để chủ động ngăn chặn các đối tượng sinh vật gây hại (SVGH) nói trên xâm nhập vào địa bàn tỉnh qua các nguồn hom giống, Sở Nông nghiệp và PTNT Điện Biên đã thống nhất công tác chỉ đạo, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chuyên môn, UBND các xã/phường/thị trấn tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho chính quyền cơ sở, người dân về tác hại và nguy cơ của các đối tượng này; Không tự ý mua bán, trao đổi, du nhập thân, hom giống và các bộ phận khác của cây sắn còn tươi từ vùng khác vào địa bàn khi chưa rõ nguồn gốc; Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá, hom giống và củ sắn tươi từ tỉnh khác vào địa bàn; Nghiêm cấm vận chuyển, mua bán, trao đổi, du nhập thân, hom giống sắn từ vùng đã có dịch vào địa bàn với bất kỳ mục đích nào; Nắm chắc địa điểm, diện tích trồng sắn tập trung niên vụ năm 2019, chủ động theo dõi diễn biến sinh vật gây hại trên cây sắn, nhằm kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ bệnh (nếu có), tránh lây lan ra diện rộng.

Chi cục Bảo vệ thực vật làm tốt công tác kiểm dịch thực vật đối với thân, lá, hom giống và sản phẩm sắn còn tươi nhập khẩu, tăng cường kiểm soát các SVGH trên sắn; tham mưu phương án phòng chống hiệu quả, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cần áp dụng nhằm ngăn chặn sự phát sinh gây hại của các đối tượng đã nêu trên địa bàn; làm tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo SVGH trên cây sắn niên vụ 2019.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các Trạm khuyến nông cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, khuyến cáo người dân, người sản xuất sử dụng giống sắn có năng suất cao, thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm phòng chống bệnh hại, bảo vệ an toàn trong sản xuất./.

Đinh Thị Thu Hà

Trung tâm Khuyến nông Điện Biên