Để khắc phục tình trạng thiếu nước tưới và đạt mục tiêu trên 410.000 tấn lương thực vụ Hè Thu, Mùa 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu giống, cây trồng, thời vụ hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế, cụ thể ở từng vùng sản xuất. Cùng với đó, ngành nông nghiệp mở rộng diện tích các cây trồng theo hướng an toàn để nâng cao giá trị nông sản; đồng thời, đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất; liên kết giữa nông dân và các tổ chức hợp tác xã, doanh nghiệp, gắn với bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, ổn định sản xuất.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ ở những vùng không có nước suốt cả vụ, sản xuất không an toàn, kém hiệu quả nhằm đảm bảo sản xuất an toàn, nâng cao giá trị thu nhập và áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, quy trình kỹ thuật mới như: công nghệ tưới nhỏ giọt, thủy canh, bán thủy canh; nhà lưới, nhà màng; quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, SRI, IPM, ICM,... Ngành nông nghiệp sẽ cơ cấu 30.000 ha lúa chất lượng và khoảng 9.500 ha lúa lai.

Ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, với dự báo tình hình hạn hán đầu vụ, nguy cơ mưa bão, giông lốc cuối vụ các địa phương cần tổ chức gieo cấy lúa Hè Thu, Mùa với phương châm “càng sớm càng tốt”, đặt an toàn, hiệu quả lên trên hết; xem xét thời điểm thu hoạch lúa Xuân, khả năng phân phối nước để chọn thời điểm ra mạ, gieo thẳng và cơ cấu giống để khép kín diện tích và tránh mưa lụt, bão, áp thấp nhiệt đới cuối vụ. Ngành thuỷ lợi và các địa phương cũng đã xây dựng phương án chống hạn, phương án tưới hợp lý, đảm bảo chủ động ứng phó khi hạn hán xảy ra. Tu sửa bờ vùng, bờ thửa, nạo vét thông thoáng kênh mương, thực hiện tưới tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ và bố trí lịch cắt nước cụ thể, phù hợp để phục vụ tốt, kịp thời tưới tiêu cho sản xuất”.

Bên cạnh việc thiếu nước tưới, dự báo trong vụ Hè Thu năm 2024 tình hình sinh vật gây hại chính trên các cây trồng chính sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Trên cây lúa thời kỳ đầu vụ khả năng ốc bươu vàng, chuột, bọ trĩ, ngộ độc hữu cơ,... sẽ gây hại trên diện rộng, cục bộ một số vùng bị gây hại nặng. Đến cuối vụ các đối tượng như chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy, sâu đục thân, nhện gié, bệnh bạc lá, lem lép hạt, khô vằn... có nguy cơ gây hại cao, cục bộ một số diện tích có khả năng bị gây hại nặng gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng sản phẩm. Ngoài lúa các sâu bệnh có nguy cơ cao phát sinh gây hại trên các cây trồng khác như: sâu keo mùa thu hại ngô, sâu khoang, bệnh lở cổ rễ, héo xanh hại lạc, sâu cuốn lá hại vừng, đậu đỗ./.

Trịnh Duy Hưng

TTXVN