Tham gia Hội nghị có đại diện Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường; Trung tâm khuyến nông Quốc gia; các viện: Khoa học kỹ thuật nông nghiệp (KHKTNN) Việt Nam, Bảo vệ thực vật, Di truyền nông nghiệp, Cây lương thực và Cây thực phẩm, KHKTNN miền Nam cùng đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh vùng Đông Nam bộ có diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Theo số liệu thống kê của Cục BVTV, tại thời điểm ngày 12/7/2018, các tỉnh Đông Nam bộ, gồm: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai có tổng diện tích sắn nhiễm bệnh lên đến 22.128,2 ha, trong đó Tây Ninh là địa phương có diện tích sắn nhiễm bệnh cao nhất: 21.036,3 ha, cao gấp 7 lần diện tích sắn nhiễm bệnh tại thời điểm công bố dịch năm 2017 của tỉnh (3.307 ha). Đáng chú ý là bệnh nhiễm ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn, và ở hầu hết các giống sắn hiện có trên địa bàn với các mức độ khác nhau, trong đó giống sắn HL-S11 có mức độ nhiễm cao nhất và đặc biệt nghiêm trọng. Bệnh có khả năng lây lan nhanh từ vùng này qua vùng khác, qua hom giống và các bộ phận khác của cây sắn, qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng Whiteflies-Bemisia tabaci (có khả năng di chuyển nhờ gió đến 7 km).

Theo Viện Bảo vệ thực vật, đây là một bệnh hại mới trên sắn, nếu không có biện pháp quản lý bệnh kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất và chế biến sắn của Tây Ninh. Virus đang tồn tại trong cây sắn bị nhiễm bệnh (nguồn bệnh cố định) và trong bọ phấn trắng (nguồn bệnh di động) là nguồn lây lan sang vùng trồng sắn tập trung khác thuộc Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng sắn, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu sắn của Việt Nam, thiệt hại có thể lên đến hàng tỷ USD/năm.

Tính đến thời điểm hiện nay, chưa có bất kỳ nghiên cứu chuyên sâu nào về bệnh được thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá ban đầu của các nhà khoa học, đây là bệnh nguy hiểm nhất đối với cây sắn, sẽ làm giảm đáng kể năng suất và chất lượng củ sắn. Giải pháp trước mắt được Viện Bảo vệ thực vật khuyến cáo:

- KHÔNG vận chuyển, trao đổi hom giống và các bộ phận khác của cây sắn từ vùng bị nhiễm bệnh sang vùng chưa nhiễm bệnh;

- KHÔNG sử dụng cây có biểu hiện triệu chứng bệnh hoặc chưa biểu hiện bệnh nhưng từ những ruộng đã bị nhiễm bệnh làm hom giống trồng mới cho vụ tiếp theo;

- Phòng trừ bọ phấn trắng để hạn chế khả năng lây lan của bệnh từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Ruộng sắn bị khảm lá virus

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định bệnh virus hại sắn đang diễn ra với mức độ rất nặng tại các địa phương vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là tại Tây Ninh, địa phương chiếm trên 50% diện tích sắn toàn vùng, và hiện nay bệnh đang lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất. Trước mắt, cần rà soát lại quy trình phòng chống bệnh và tập trung tiêu diệt bọ phấn trắng; đối với những diện tích sắn nhiễm bệnh nặng cần tiêu hủy, tránh lây lan. Đồng thời không sử dụng hom giống trong vùng bệnh để trồng mới và lưu thông đến các vùng khác, địa phương khác. Thứ trưởng cũng đề nghị Tây Ninh có giải pháp nhanh chóng khoanh vùng cấp huyện để xây dựng mô hình khuyến nông về canh tác sắn sạch bệnh, bền vững để vừa làm mô hình nhân rộng trong sản xuất vừa là nguồn giống sạch bệnh phục vụ trồng mới tại địa phương.Về lâu dài, Thứ trưởng cho biết cần có đánh giá và chọn lọc dòng/giống sắn (nội địa và nhập nội) có khả năng kháng/chống chịu với bệnh và bọ phấn trắng./.

Ngô Văn Đây

TTKN Quốc gia