Nguyên nhân được xác định là do người dân mua, bán, vận chuyển trâu, bò không rõ nguồn gốc, từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh. Trong khi đó, tại các đầu mối giao thông của tỉnh không có Chốt kiểm dịch động vật và người dân không tự giác khai báo kiểm dịch với cơ quan chuyên môn.

Ngoài ra, mầm bệnh xâm nhiễm vào đàn trâu, bò của địa bàn qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve, mòng…. từ đàn trâu, bò bị bệnh của các tỉnh giáp ranh với tỉnh Lai Châu như Điện Biên, Sơn La, Yên Bái và Lào Cai. Bên cạnh đó hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn sinh học, thả rông gia súc cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Cán bộ thú y kiểm tra đàn bò tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu

 

Ông Đoàn Văn Hưng, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu, cho biết: “Chi cục đã lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn người dân thực hiện nuôi cách ly tại chỗ những con bị ốm và nghi mắc bệnh. Tiêm thuốc bổ trợ sức, trợ lực tăng cường đề kháng cho vật nuôi, điều trị kháng sinh chống vi khuẩn bội nhiễm và thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt.”.

Ngoài tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cho đàn vật nuôi của bà con, cơ quan chuyên môn các địa phương đã tiến hành khoanh vùng, phun tiêu độc khử trùng để dập dịch; đồng thời, tăng cường tuyên truyền tới người dân các biện pháp phòng trừ bệnh, nâng cao ý thức chấp hành quy định về việc mua bán, giết mổ gia súc nói riêng và vật nuôi nói chung.

Nguyễn Thị Thùy Dương

Sở Nông nghiệp&PTNT Lai Châu