|
|
Nước sông ở xã miền núi Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang lên và chảy xiết gây nguy cơ ngập lụt và sạt lở |
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ tại thượng lưu sông Mã, sông Bưởi (Thanh Hóa), thượng lưu sông Cả (Nghệ An) lên mức báo động báo động 1 – báo động 2; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên báo động 2 – báo động 3; hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) còn dưới báo động 1; hạ lưu sông Cả và sông La (Hà Tĩnh) lên báo động 1; các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam lên báo động 1- báo động 2, có sông trên báo động 2; riêng các sông nhỏ ở Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên BĐ3. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 1.
Về tình hình hồ chứa thủy lợi, theo báo cáo của Cục Thuỷ lợi (tính đến 17h ngày 18/9), Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, dung tích đang ở mức thấp đạt 43-65% dung tích thiết kế; hiện có 145 hồ hư hỏng, xuống cấp và 52 hồ đang thi công. Nam Trung Bộ có 517 hồ, dung tích đang ở mức thấp, đạt 30-57% dung tích thiết kế; hiện có 26 hồ hư hỏng, xuống cấp và 19 hồ đang thi công.
Về đê điều, các tỉnh/thành phố ven biển từ Ninh Bình đến Bình Định có 971,5km đê biển, đê cửa sông; trong đó có 39 trọng điểm trên các tuyến đê dưới cấp III; có 1 công trình đang thi công dở dang tại Thừa Thiên Huế.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 6h30 ngày 19/9, các đơn vị đã kiểm đếm, hướng dẫn 66.960 tàu/306.725 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động chủ động di chuyển vòng tránh; trong đó 199 tàu/868 người hoạt động khu vực ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi. Các tàu đã nắm được thông tin và đang di chuyển về bờ.
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Định cho biết, lúa Hè Thu còn 1.635 ha chưa thu hoạch, lúa Mùa ở tỉnh Bình Định đã gieo cấy 3.400 ha; hoa màu chưa thu hoạch 32.404 ha.
Theo bản tin phát lúc 5h ngày 19/9 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 4 năm 2024; tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Dự báo đến 16h ngày 19/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam, sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, di chuyển với tốc độ 20-25km/h theo hướng Tây. Rủi ro thiên tai: cấp 3 ở vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa); vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư); khu vực đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.
Đến 4 h ngày 20/9, vị trí áp thấp ở trên khu vực trung Lào; di chuyển 15-20km/h theo hướng Tây Tây Bắc và suy yếu dần. Rủi ro thiên tai: cấp 3 tại vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Nam (bao gồm đảo Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư); khu vực đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.
Ngày và đêm 19/9, phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), Nam Vịnh Bắc Bộ, khu vực từ Bình Định đến Cà Mau, phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông, Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 - 5 m. Khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2 - 4 m, vùng gần tâm bão 3 – 5 m; khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và vùng biển phía Bắc của khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2 - 3,5m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2, riêng vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi cấp 3.
Dự báo từ ngày 19/9 đến đêm 20/9, khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa phổ biến từ 100 – 300 mm, có nơi trên 500 mm; khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa phổ biến từ 80 – 170 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm. Từ đêm 20/9, mưa lớn trên các khu vực giảm dần.
Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: cấp 1; khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Nam: cấp 2./.
Bích Hồng