Sâu đầu đen là loại sâu thuộc bộ cánh vảy, họ ngài đêm, là một loài sâu hại ngoại lai nguy hiểm trên cây dừa có nguồn gốc từ Ấn Độ và gần đây gây hại nặng ở Thái Lan. Sâu non (ấu trùng) tấn công cả vườn cây mới trồng đến cây trưởng thành, cả nhóm dừa cao và nhóm dừa lùn. Ngoài ra, sâu đầu đen còn gây hại trên cau kiểng, cọ và chuối.
Sâu đầu đen gây hại làm tàu dừa cháy khô từ những lá già bên dưới, dần lên các lá bên trên và cuối cùng là các tàu lá non trên ngọn. Sâu cạp biểu bì mặt dưới của lá, thải phân và nhả tơ kết thành tổ để trú ẩn, khi bị động chúng nấp vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất, sâu non tấn công cả vỏ trái. Khi sâu đầu đen gây hại nặng, toàn bộ tàu lá trên cây bị cháy khô, cây suy kiệt dần, giảm năng suất hoàn toàn và có thể chết cây.
|
|
Sâu đầu đen hại dừa ghi nhận ở xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, Vĩnh Long |
Vườn dừa của chị Phan Thị Thúy, ấp Phú An, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình. Vài tháng trước bị sâu đầu đen tấn công nhưng gia đình không biết nguyên nhân cứ nghĩ là do nắng nóng, thêm dừa già cỗi nên bị bệnh và chết là bình thường nhưng sau một tháng thì những cây dừa xanh tốt kế bên cũng bị tình trạng tương tự.
Chị Thúy cho biết trước đây chưa thấy dừa bị tình trạng như vậy nên cứ mua phân, mua thuốc bệnh về xử lý nhưng dừa vẫn không phục hồi mà tiếp tục bị khô lá hàng loạt và chỉ trong thời gian ngắn nhiều cây dừa bị khô lá rồi chết, một số cậy bị nặng cũng không còn khả năng phục hồi được.
Cũng bị sâu đầu đen gây hại trên 102 cây dừa, bà Phan Thị Bảy, ấp Phú An, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình chia sẻ, lúc đầu lá dừa bị vài đốm nâu trên những lá già. Khi xé lá kiểm tra thì thấy có sâu bên trong, tình trạng ngày càng nặng và nhiều hơn lá dừa khô dần và rụng trái, vườn dừa không còn cho thu hoạch.
Để ngăn chặn sâu đầu đen hại dừa, người trồng cần thường xuyên thăm vườn kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ sau:
- Biện pháp canh tác: cắt bỏ lá chét cây dừa và cây ký chủ (cau, cọ, chuối) bị sâu gây hại và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước nhằm giảm mật số sâu hại. Đây là biện pháp quan trọng, hiệu quả, an toàn môi trường và cần thực hiện ngay khi phát hiện sâu đầu đen gây hại từ những lá già bên dưới. Bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón. Không nên vận chuyển cây dừa giống, cây ký chủ phụ (cau, cọ, chuối) và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vườn khác để hạn chế lây lan.
- Biện pháp hóa học: nếu vườn dừa bị gây hại nặng, cần cắt tỉa, tiêu hủy tàu lá già trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm giảm mật số sâu hại, tăng khả năng tiếp xúc sâu non và tăng hiệu quả của thuốc:
+ Đối với vườn dừa sản xuất hữu cơ: Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học hoạt chất: Bacillus thuringiensis (Dipel 6.4WG 50gam/ bình 25 lít)
+ Đối với vườn dừa nuôi xen: Sử dụng một trong hai hoạt chất thuốc được ghi nhận ít gây hại tôm, cá và vật nuôi: Spinetoram (Radiant 60 SC 24ml/ bình 25 lít) và Flubendiamide (Takumi 20 WG 8 gam/ bình 25 lít)
+ Đối với vườn sản xuất thông thường: Sử dụng một trong hai loại thuốc trừ sâu có hoạt chất: Emamectinbenzoate (Angun 5WG 16gam/ bình 25 lít, Actimax 50WG 15gam/ bình 25 lít), lufenuron (Match 050 EC 20 ml/ bình 25 lít); Spirotetramat (Movento 150 OD 15ml/ bình 25 lít).
- Biện pháp sinh học: Đây là biện pháp ưu tiên sử dụng hiện nay. Cách này chỉ sử dụng các loài thiên địch bắt mồi như: kiến vàng, bọ đuôi kìm, bọ xít bắt mồi. Để bảo vệ các loài thiên địch này trong môi trường tự nhiên, ngành chuyên môn khuyến cáo chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV theo hướng dẫn trên, hạn chế sử dụng thuốc có độ độc cao, thuốc phổ rộng và pha trộn nhiều hoạt chất thuốc.
Sâu đầu đen hại dừa là một đối tượng dịch hại nguy hiểm. Ngành nông nghiệp cần tuyên truyển, vận động nông dân trồng dừa biết cách nhận dạng và phòng trừ hiệu quả, tránh lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của dừa trong thời gian tới./.
Ngọc Đồng
Trung tâm DVKTNN tỉnh Vĩnh Long