Nội dung Công văn đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị có liên quan và yêu cầu các đơn vị phải có báo cáo hàng tuần về Sở NN&PTNT. Các đơn vị tổng hợp thông tin, đánh giá tình hình nguồn nước, có biện pháp cấp nước phù hợp để không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; tham mưu điều chỉnh mùa vụ; kiểm tra tình hình dịch bệnh trên vật nuôi, gia súc, gia cầm.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Ninh Thuận: Tính đến ngày 17/02/2020, tổng dung tích 21 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện còn 60,97 triệu m3/194,49 triệu m3, chiếm 31,3 % dung tích thiết kế; lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương 121,51 triệu m3/165 triệu m3, đạt 73,6% dung tích thiết kế, lưu lượng nước vào hồ là 6,35 m³/s và đang xả nước với lưu lượng là 14,52 m³/s.

Để phòng, chống hạn hán trong thời gian tới, một số giải pháp đã được đề ra như: thực hiện các công tác điều tiết nước trong sản xuất và chăn nuôi; triển khai các mô hình sản xuất vụ Đông Xuân phù hợp với điều kiện hạn hán; thực hiện các phương án bảo vệ đàn gia súc, phòng chống cháy rừng; ngành nông nghiệp phối hợp với địa phương nạo vét, khơi thông dòng chảy các suối còn nước, đầu nối các công trình thủy lợi tập trung, dự phòng thêm một số máy bơm để tăng công suất ở các trạm, các hồ dưới mực nước chết.

Người dân thực hiện mô hình trồng xen canh cây bưởi và cây đậu đen kết hợp tưới tiết kiệm nước.

Các cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân chuẩn bị các phương án ứng phó với hạn hán như phương pháp tưới nước tiết kiệm, mô hình xen canh, luân canh các loại cây trồng, kiểm tra giám sát tình hình sâu hại trên cây trồng, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, từ đó hướng dẫn biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả cao./.

                                                 Phạm Thị Minh Loan

                                      Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận