Thị trường thế giới: Trên thị trường châu Á, giá gạo xuất khẩu Thái Lan tiếp tục đứng ở mức cao 9 tháng thiết lập từ tuần trước, gạo xuất khẩu Việt Nam cũng không đổi do nhu cầu mua vào yếu, một phần là do Trung Quốc đã giảm lượng mua qua biên giới.

Giá cà phê tiếp tục được hỗ trợ từ tin tức về thời tiết khô hạn tại Đông Nam Á - Việt Nam, nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, và Indonesia.

Tại thị trường Chicago, Mỹ, giá lợn hơi mặc dù đã giảm nhẹ so với tuần trước nhưng đây vẫn là mức giá khá cao trong nhiều tháng gần đây nhờ giá thịt sống và giá bán buôn thịt lợn tăng gắn với dự báo về xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc tăng.

Giá đường tăng do thời tiết hiện đang bất lợi cho vụ thu hoạch mía tại khu vực Trung Nam Brazil và khô hạn tiếp tục ảnh hưởng đến vụ mía đường tại Ấn Độ.

Giá cá hồi Chile đã tăng lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ do các cuộc biểu tình của ngư dân bởi sự trì trệ của Chính phủ trong việc chi trả tiền đền bù cho các gia đình ngư dân bị cấm đánh bắt cá do thủy triều đỏ ở khu vực phía đông nam Thái Bình Dương.

Thị trường trong nước: Giá lúa, gạo trong nước tuần qua gần như không biến động trong bối cảnh chưa ký được hợp đồng mới trong khi Trung Quốc đã giảm mua.

Giá điều tại Đồng Nai giảm là do vào cuối vụ chất lượng hạt điều không cao, cùng với đó là có một vài trận mưa làm tăng độ ẩm của hạt điều. Tuy nhiên, đây là năm hạt điều cuối vụ có mức giá cao nhất trong nhiều năm qua do thời tiết nắng nóng, khô hạn nên năng suất điều không cao như những năm trước.

Giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau đồng loạt tăng mạnh trong tuần qua do giá tôm xuất khẩu tăng và nguồn cung giảm mạnh bởi ảnh hưởng khí hậu nóng và độ mặn tăng cao.

Thông tin chi tiết, bạn đọc xem trong bản tin Thị trường Nông nghiệp tuần 19/2016

BBT (gt)