Bà Ung Thị Kim, 67 tuổi, người gắn bó với nghề này đã 50 năm cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ cách tết Nguyên đán chừng 2 tháng là làng dệt chiếu Long Định hoat động ngày đêm mới đủ cung ứng cho bạn hàng khắp nơi. Cực một chút nhưng có thêm tiền ăn tết nên chúng tôi ai cũng phấn khởi”.

Bà Kim kể, hồi xưa người dệt chiếu chỉ làm bằng tay thôi, mệt mà lại vừa ít tiền, nhiều lắm chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày. Từ 10 năm nay, chúng tôi chuyển sang dệt bằng máy, nhanh gấp chục lần so với trước, từ đó mỗi người thu nhập được từ 180.000 - 200.000 đồng/ngày, làm thêm ban đêm thì thu nhập nhiều hơn.

Nhiều thợ dệt chiếu ở đây khẳng định, nghề này do người dân Nam Định mang vào đây đã trên 60 năm. Ban đầu chỉ mươi hộ, nay đã lên đến hàng trăm hộ làm nghề. Điều rất đặc biệt là kỹ thuật dệt chiếu ở đây, dù bằng tay hay bằng máy đều khác hẳn với các làng nghề dệt chiếu quanh khu vực ĐBSCL như: chiếu Cà Mau, chiếu Định Yên (Đồng Tháp, chiếu Hàm Ninh (Trà Vinh), chiếu Vũng Liêm (Vĩnh Long)...

Ông Thạch Sót, người có 40 năm dệt chiếu tại Long Định nói: “Điểm khác nhau là cách bố trí sơ đồ trên máy dệt, vùng nguyên liệu lát chuyên dùng, cách nhuộm màu, may viền, se lát, các hoa văn thể hiện trên chiếu… Đây là yếu tố rất quan trọng và rất riêng để chiếu Long Định ngày càng phát triển trên thị trường trong và ngoài nước bởi màu sắc đẹp, bền, bắt mắt và có thể sử dụng lâu dài”.

Chiếu Long Định được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ màu đẹp, bền, nằm êm mà thoáng...

 

Bà Nguyễn Thị Thắm, thương lái đến từ TPHCM cho biết: “Tôi đến đây mua bán với làng nghề này đã trên 30 năm, sản phẩm ở đây rất chất lượng, nhất là sản phẩm chiếu hoa, giá thành chấp nhận được, tôi đã xuất khẩu thành công sang thị trường Hàn Quốc, Nhật, Mỹ… Bên đó họ rất chuộng chiếu Long Định dù giá bán có nhỉnh hơn so với chiếu ở một số nơi khác”.

Còn bà Trương Thị Tuyết, thành viên làng nghề dệt chiếu Long Định chia sẻ: “Chiếu Long Định nổi tiếng rất dầy, bền, nằm vừa êm lại thoáng mát, giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên hàng ngày thương lái các nơi đến mua rất đông. Mỗi ngày làng chiếu giao cho thương lái đến 4000 đến 5000 sản phẩm, lúc cao điểm lên đến 6.000 chiếc mỗi ngày. Những năm gần đây chúng tôi gia công cả chiếu làm bằng nguyên liệu lục bình nhưng tỉ lệ chiếm chỉ 10% so với chiếu lát”.

Mỗi năm từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau, làng nghề này vào mùa chính do thời tiết hanh khô dễ phơi lát nguyên liệu và chiếu thành phẩm. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay làng dệt chiếu truyền thống Long Định có gần 500 hộ hành nghề với hơn 2.000 lao động tại chỗ, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định. Với những người có tay nghề cao, thu nhập mỗi tháng cũng xấp xỉ 10 triệu đồng.

Năm 2007, làng chiếu Long Định đã được tỉnh Tiền Giang chọn làm mô  hình làng nghề “điểm” nhân rộng đến các địa phương khác, nhất là các xã có đặc điểm khá tương đồng với Long Định. Hiện tại làng nghề này đang có hơn 100 máy dệt chiếu, giá bán bình quân mỗi chiếc chiếu  từ 100.000 đến 200.000 đồng tùy thuộc kích cỡ, màu sắc, độ dày, bóng… Để có được một sản phẩm hoàn chỉnh, người làm phải thao tác các khâu căn bản như: xe sợi, phơi lát, dệt chiếu, in màu, hấp màu… Mỗi ngày, một người thợ lành nghề nếu dệt chiếu bằng máy sẽ làm ra khoảng 10 chiếc chiếu.

Tuy nhiên khó khăn đang đặt ra cho hộ dân làm nghề là không có đất để phơi nguyên liệu và thành phẩm (thường chỉ phơi ở ven đường) ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông. Cạnh đó một số hộ dân dù có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất nhưng chưa được đáp ứng. Công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đôi lúc chưa được thông suốt.

Để giải quyết những khó khăn trên, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể như: hỗ trợ vốn vay, tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, gắn làng nghề với các điểm du lịch, tập trung sản xuất theo mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã, khuyến khích trồng nguyên liệu và đầu tư máy móc phù hợp để nâng cao năng suất và chất lượng chiếu Long Định.

Chia tay với làng nghề Long Định trong tiếng máy dệt vang trời, trong không khí tất bật lao động, nhộn nhịp, trong khung cảnh giao thương rộn rã tiếng cười của người làm ra sản phẩm và thương lái, chúng tôi hiểu sức sống của làng nghề này đang phát triển một cách bài bản, vững chắc, mang lại cuộc sống ấm no cho cư dân làng nghề nơi đây.

Phan Thị Anh Thư

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Cần Thơ