Dự án được triển khai với mục đích thúc đẩy việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy (gieo mạ bằng máy và khay, cấy lúa bằng máy) vào sản xuất lúa nhằm tăng năng suất lao động trong khâu gieo cấy 50%, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, góp phần đẩy nhanh đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, tạo tiền đề hình thành các tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay.

Tham gia mô hình, những hộ nông dân tại địa phương được hỗ trợ 50% giá giống, khay nhựa gieo mạ, 1 máy gieo hạt, 1 máy cấy 4 hàng, máy cấy 6 hàng. Ngoài ra các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình được tập huấn về: hướng dẫn về quy trình sản xuất mạ khay phục vụ cấy máy; kỹ thuật vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng máy cấy và hệ thống làm mạ; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa cấy bằng máy; hướng dẫn phương pháp tổ chức xây dựng tổ dịch vụ cơ giới hóa; phương pháp hạch toán kinh tế; thực hành quy trình sản xuất mạ khay phục vụ cấy máy.

Qua thời gian triển khai mô hình, thực tế cho thấy phương pháp làm mạ khay so với làm mạ thông thường rút ngắn thời gian giai đoạn mạ ở vụ xuân từ 3 - 5 ngày. Đặc biệt là khắc phục được hiện tượng làm mạ ngoài trời phụ thuộc vào điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại hoặc nắng nóng đột ngột ở vụ xuân gây chết mạ hoặc mạ bị táp lá dẫn tới thiếu mạ cấy. Lúa cấy bằng máy sử dụng mạ trong các khay không trải qua giai đoạn nhổ mạ cấy cấy nên hạn chế được hiện tượng đứt rễ. Vì vậy, sau cấy cây lúa có khả năng bén rễ hồi xanh nhanh hơn, khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi tốt hơn so với lúa cấy mạ dược. Lúa cấy máy khả năng đẻ nhánh rất sớm và chủ động được khâu gieo cấy. Lúa cấy máy có số bông hữu hiệu/khóm trung bình từ 8,7 - 8,9 bông, trong khi đó lúa cấy tay thông thường số bông hữu hiệu trung bình chỉ đạt 5,4 - 5,6 bông. Mật độ cấy của lúa cấy máy là 24 khóm/m2, thưa hơn so với cấy tay truyền thống (38 khóm/m2). Tuy nhiên số hạt chắc trên bông của lúa cấy máy (179,3 - 183,2 hạt chắc/bông), cao hơn rất nhiều so với lúa cấy tay (165,8 - 166,1 hạt chắc/bông). Do đó năng suất thực thu trung bình của lúa cấy máy cao hơn so với lúa cấy tay từ 10,3 - 12,3%

Thăm mô hình trình diễn cấy lúa bằng máy tại thôn Đạo Chân - xã  Kim Chân - TP Bắc Ninh

Về hiệu quả kinh tế sử dụng mạ khay, cấy máy giảm được các chi phí như: giảm chi phí cấy 1.390.000 đồng/ha, chi phí phun thuốc BVTV giảm 834.000 đồng/ha. Năng suất lúa cấy máy cao hơn so với lúa cấy tay thông thường, vì vậy sử dụng mạ khay, cấy máy hiệu quả kinh tế tăng từ 6,5 - 7,1 triệu đồng/ha.

Đặc biệt qua dự án đã giúp hình hình tổ hợp tác dịch vụ chuyên cung ứng các dịch vụ về mạ và cấy máy, tạo tiền đề hình thành các tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Các tổ hợp tác này hoạt động hiệu quả sẽ góp phần tích cực vào công cuộc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động thủ công, khắc phục tình trạng thiếu lao động trầm trọng lúc thời vụ, đồng thời tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp chuyển dịch từ sản xuất thủ công kém hiệu quả sang cơ giới hóa, hiện đại hóa. Đồng thời từng bước hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tăng thu nhập cho người sản xuất, khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều do sản xuất lúa kém hiệu quả.

Nguyễn Công Cường

Trung tâm Khuyến nông và PTNN Công nghệ cao Bắc Ninh