Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hành trình "Trà Việt - Văn hóa và Di sản", thuộc Dự án "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt Nam", do Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội đề xướng, nhằm tôn vinh di sản chè Thái Nguyên, thúc đẩy du lịch văn hóa và định hướng phát triển bền vững cho ngành chè Việt Nam.
Dự Diễn đàn có Tiến sĩ Đỗ Ngọc Văn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội; đại biểu đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thời báo Văn học Nghệ thuật Việt Nam, các nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân trà. Tỉnh Thái Nguyên có lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, các nghệ nhân trà…
Tại Diễn đàn Thái Nguyên – Trăm năm đệ nhất danh trà có nhiều hoạt động như trình diễn pha trà, thưởng trà, giao lưu nghệ nhân, trưng bày sản phẩm OCOP và triển lãm tư liệu chè Tân Cương – Thái Nguyên nhằm góp phần quảng bá văn hóa thưởng trà Thái Nguyên. Tại đây, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân và cộng đồng yêu trà đã nhìn lại hành trình 100 năm phát triển cây chè, tôn vinh những người làm chè và chia sẻ bài học kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp phát triển bền vững chè Thái Nguyên.
Chè Thái Nguyên không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp mà còn là biểu tượng văn hóa, tinh thần và kinh tế của vùng đất này. Từ thời nhà Nguyễn, trong sách "Đại Nam nhất thống chí" thời vua Tự Đức (1848-1883), các sử gia đã ghi chép rằng chè Nam ở huyện Phú Lương, Thái Nguyên, có "vị ngon hơn chè các nơi khác". Tuy nhiên, cụm từ "Trăm năm Đệ nhất danh trà" đánh dấu cột mốc từ đầu thế kỷ 20, khi chè Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương, được tiêu chuẩn hóa, thương mại hóa và đạt danh tiếng vượt trội trong nước lẫn quốc tế. Đây là giai đoạn chè Thái Nguyên trở thành "Đệ nhất danh trà".
Đến hết năm 2024, tổng diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên đạt trên 22,2 nghìn ha, sản lượng búp tươi trên 272 nghìn tấn, toàn tỉnh có 193 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3-5 sao (trong đó có 02 sản phẩm OCOP đạt 5 sao); giá trị sản phẩm Trà đạt trên 13,8 nghìn tỷ đồng. Thái Nguyên hiện đang dẫn đầu toàn quốc cả về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập từ cây chè.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Ngà – Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên nhấn mạnh, chè Thái Nguyên không chỉ là sản phẩm nông nghiệp mà là biểu tượng văn hóa, kết tinh tinh hoa đất trời và công sức lao động của biết bao thế hệ người làm chè. Đến nay, chè Thái Nguyên không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp, mà còn là biểu tượng kết tinh tinh hoa đất trời, phản ánh lịch sử, văn hóa, tập quán và nếp sống thanh tao, tinh tế của người Việt. Với bề dày truyền thống, chất lượng vượt trội và hương vị đặc trưng không thể trộn lẫn, trà Thái Nguyên đã khẳng định thương hiệu “Đệ nhất danh trà” với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, tạo dựng vị thế vững chắc cho ngành chè cả nước.
Bà Đào Thanh Hải – Chủ tịch HTX Chè Hảo Đạt chia sẻ, chè Tân Cương nổi bật bởi vị chát dịu, hậu ngọt sâu và hương cốm đặc trưng – một nét độc đáo mà không thể lẫn với loại chè nào khác. Sứ mệnh đầu tiên của người làm chè là bảo tồn phương pháp canh tác và chế biến truyền thống. Từ việc bảo tồn giống chè trung du, loại chè truyền thống có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và cho chất lượng chè cao, hương vị đậm đà. Đến việc duy trì canh tác hữu cơ, cùng với kKỹ thuật hái và kỹ thuật sao chè bằng phương pháp thủ công truyền thống. Giữ được những tinh hoa ấy, chính là giữ được linh hồn của chè Tân Cương.
Tham luận tại Diễn đàn, ông Dương Sơn Hà – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên khẳng định, cây chè là cây trồng chủ lực Quốc gia và tỉnh Thái Nguyên, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân trong tỉnh. Ngành Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 02/3/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030. Trong đó định hướng phát triển ngành chè Thái Nguyên gắn với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; đẩy mạnh sản xuất an toàn, hữu cơ gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao; thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, kinh doanh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu trà Thái Nguyên theo hướng tích hợp đa giá trị của trà; xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Với định hướng đến năm 2030, ngành chè Thái Nguyên phấn đấu tổng giá trị sản phẩm thu được từ cây chè đạt 25 nghìn tỷ đồng”. Trong đó đã đề ra các mục tiêu: Diện tích chè đạt 24.500 ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn; 70% diện tích chè được chứng nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; được cấp mã số vùng trồng; 100% số cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chè và các sản phẩm từ chè đảm bảo quy định an toàn thực phẩm; có 250 sản phẩm trà được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3-5 sao, ít nhất 6 sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao; 100% sản phẩm trà và sản phẩm từ chè được thương mại điện tử trên các nền tảng số…
Ngành Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu Đảng bộ UBND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, trong đó đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các cấp ngành, địa phương triển khai một số giải pháp trọng tâm đó là: Rà soát, hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Củng cố, xây dựng và nâng cao thương hiệu chè Thái Nguyên gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trà. Bảo tồn và nâng cao các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên nói chung, vùng chè Tân Cương nói riêng gắn với nâng cao giá trị cây chè và sản phẩm trà Thái Nguyên. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm trà Thái Nguyên. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành chè…
Dương Trung Kiên
Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên