leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu sầu riêng trên cả nước; góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng ổn định và hiệu quả trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp và Môi trường mong muốn tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương - địa phương - doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi giá trị sầu riêng chuyên nghiệp, minh bạch, kiểm soát rủi ro tốt hơn và phát triển thị trường xuất khẩu một cách bền vững.

 

Ngành hàng sầu riêng đã và đang trở thành một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong những năm qua; đặc biệt là sau khi ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với Trung Quốc. Bên cạnh những thành quả ấn tượng đã đạt được, mặt hàng sầu riêng Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Đó là những hệ lụy từ phát triển nóng, đặc biệt là các dấu hiệu bất ổn trong 4 tháng đầu năm 2025. Những mâu thuẫn đang ngày càng bộc lộ rõ rệt: giữa tốc độ mở rộng sản xuất và khả năng tổ chức chuỗi cung ứng; giữa yêu cầu kiểm soát chất lượng của thị trường nhập khẩu và năng lực đáp ứng còn hạn chế trong nước.

 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiên Văn - Quyền Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo số liệu thống kê từ 2015 - 2024, diện tích sầu riêng cả nước tăng nhanh từ 32.000 ha (năm 2015) lên hơn 178.000 ha vào năm 2024 (trung bình mỗi năm tăng 16.300 ha/năm). Trong đó, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai và Đắk Nông là các tỉnh có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước. Riêng tỉnh Đắk Lắk, diện tích sầu riêng đạt 38.800 ha, chiếm 21,7% diện tích sầu riêng của cả nước. Tốc độ tăng sản lượng sầu riêng khoảng 126 nghìn tấn/năm. Sản lượng sầu riêng năm 2024 đạt trên 1,5 triệu tấn.

 

Ông nhấn mạnh, hiện ngành sầu riêng còn nhiều thách thức và hạn chế. Cụ thể là tỷ lệ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu còn thấp; Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế, chất lượng chưa đồng đều; Liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, cơ sở hạ tầng sản xuất chưa đồng bộ; Sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, chưa nâng cao giá trị gia tăng; Một số vi phạm về an toàn thực phẩm và gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm. Theo đó, Quyền Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường: (1) Hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục cho các loại trái cây, đặc biệt là sầu riêng, để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. (2) Thành lập các Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, Trung tâm kiểm dịch thực vật và cơ sở chiếu xạ tại tỉnh Đắk Lắk để giám sát, kiểm soát dư lượng các hoạt chất. (3) Xây dựng đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu quốc gia, lấy tỉnh Đắk Lắk làm điểm.

 

Đánh giá về ngành hàng sầu riêng Việt Nam, các nhà quản lý, chuyên gia, cho rằng có 07 tồn tại, hạn chế cần phải cấp bách khắc phục và hành động quyết liệt trong thời gian tới để phát triển bền vững ngành hàng tỷ đô, đó là:

 

Thứ nhất, Hiện tượng tăng trưởng nóng về sản lượng, diện tích và quy mô xuất khẩu. Việc mở rộng diện tích chủ yếu mang tính tự phát, thiếu quy hoạch bài bản và chưa gắn với phát triển vùng nguyên liệu có kiểm soát. Các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ còn rời rạc, thiếu tính khép kín và cơ chế ràng buộc rõ ràng giữa các bên tham gia. Sự mất cân đối giữa tăng trưởng và năng lực tổ chức chuỗi giá trị đang đặt ngành sầu riêng trước rủi ro lớn: Vi phạm kỹ thuật, trả hàng, mất thị trường.

 

Thứ hai, Yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt kim loại nặng và chất cấm (Cadimi và chất Vàng ô) là các yêu cầu kỹ thuật phát sinh, còn lúng túng ban đầu, đòi hỏi toàn chuỗi giá trị sầu riêng phải có các hành động phù hợp để ứng phó.

 

Thứ ba, Quản lý chất lượng sầu riêng chưa hiệu quả. Năng lực kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc còn yếu, thiếu đồng bộ và không theo kịp tốc độ tăng trưởng nóng. Năng lực thử nghiệm hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, tốc độ và độ đại diện của mẫu, gây ùn tắc cục bộ dẫn tới tình trạng chậm trễ và rủi ro bị trả hàng.

 

Thứ tư, Cơ sở pháp lý chưa đủ mạnh. Hiện nay, Việt Nam chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, chủ yếu vẫn dựa vào thỏa thuận song phương với nước nhập khẩu nên chưa đủ sức răn đe. Hệ quả là tình trạng giả mạo, mượn mã số, sử dụng mã số sai mục đích vẫn diễn ra, làm gia tăng rủi ro bị trả hàng, đình chỉ xuất khẩu và suy giảm uy tín quốc gia.

 

Thứ năm, Sự vào cuộc của địa phương chưa rõ nét. Hiện nay, nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực, cả về nhân lực và kinh phí thực hiện việc kiểm tra, giám sát vùng trồng; mỗi tỉnh chỉ có khoảng 2 - 3 cán bộ phụ trách, lại kiêm nhiệm nhiều công việc, dẫn đến quá tải, thiếu chuyên sâu và phản ứng chậm với yêu cầu thay đổi từ phía nước nhập khẩu.

 

Thứ sáu, Nhận thức và trách nhiệm của vùng trồng, doanh nghiệp còn hạn chế. Việc duy trì điều kiện kỹ thuật của mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sau khi được cấp vẫn mang tính hình thức, thiếu tự giác và chưa đồng bộ.

 

Thứ bẩy, Công nghệ bảo quản và chế biến sầu riêng hiện còn đơn giản, thiếu đồng bộ, chủ yếu phục vụ xuất khẩu dưới dạng tươi hoặc cấp đông. Ngành hàng sầu riêng vẫn lệ thuộc lớn vào xuất khẩu nguyên liệu thô, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường chế biến giá trị gia tăng.

 

Tại hội nghị Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, ngành hàng sầu riêng đang chuyển từ tăng trưởng về sản lượng sang phát triển theo hướng kiểm soát chặt chẽ, có thương hiệu, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, từng bước khẳng định vị thế là mặt hàng nông sản chủ lực mang tầm vóc quốc gia. Đây là trách nhiệm chung mà mỗi bên, từ cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp đến người nông dân, cần xác định rõ ràng, biến quyết tâm thành hành động cụ thể, nhằm hướng tới một ngành hàng sầu riêng minh bạch, có trách nhiệm và phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan: Bộ Công Thương cần đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong xây dựng thương hiệu quốc gia cho sầu riêng Việt Nam, đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua các hội chợ, nền tảng số và các kênh phân phối hiện đại. Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan rút ngắn thời gian kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, đặc biệt trong mùa vụ cao điểm. Đồng thời, cần nghiên cứu các chính sách thuế ưu đãi nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.

 

Đề xuất Ngân hàng Nhà nước mở rộng các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp trong ngành sầu riêng, tương tự các chính sách đang áp dụng cho thủy sản và gỗ. Đây là điều kiện cần thiết để nông dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng. Bộ Công an phối hợp với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận mã số vùng trồng, làm giả hồ sơ truy xuất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia. Người dân cũng cần chủ động tố giác các hành vi sai phạm để bảo vệ lợi ích chung của ngành hàng.

 

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao từng nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc. Cụ thể:

 

- Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và các yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu. Ban hành đồng bộ quy trình canh tác bền vững, bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành hàng.

 

- Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, nhiệm vụ trọng tâm là rút ngắn thời gian đánh giá, công nhận các phòng thử nghiệm mới, đồng thời xây dựng kịch bản tiêu thụ hợp lý.

 

- Vụ Khoa học và Công nghệ vụ phối hợp với doanh nghiệp và địa phương nghiên cứu các đề tài chuyên sâu liên quan đến sầu riêng, trong đó có cả ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và phát triển giống chất lượng cao.

 

- Trung tâm Khuyến nông quốc gia cần đẩy mạnh công tác tập huấn, truyền thông đa phương tiện để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã nâng cao kiến thức canh tác, từng bước hình thành các mô hình sản xuất sầu riêng bền vững.

 

- Cục Chuyển đổi số xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn hóa về ngành hàng sầu riêng. Hệ thống này sẽ giúp điều hành sản xuất, cung cấp thông tin thị trường và tiêu chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hợp tác xã chủ động trong chiến lược kinh doanh.

 

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và người dân nâng cao ý thức, cam kết sản xuất sầu riêng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Bộ trưởng lưu ý, người dân không sử dụng hóa chất cấm, không thu mua hoặc sản xuất từ những vùng trồng không đạt chuẩn. Việc kiểm soát phải chặt chẽ từ khâu canh tác đến chế biến, để không làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành hàng. Đề nghị các đơn vị, địa phương tham gia góp ý kiến cho dự thảo Thông tư về quản lý mã số vùng trồng, công cụ quan trọng giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng và tạo nền tảng cho xuất khẩu chính ngạch.

 

Bộ trưởng tin tưởng hội nghị là một bước đi cần thiết nhằm rà soát lại toàn bộ hệ thống sản xuất - xuất khẩu sầu riêng, từ đó thiết lập các chuẩn mực mới hướng tới phát triển bền vững, nâng cao giá trị và giữ vững vị thế cho nông sản Việt trên bản đồ thế giới.

 

Trong khuôn khổ hội nghị, buổi sáng cùng ngày Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã cùng đoàn công tác đi khảo sát thực địa tại một số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng có mã số xuất khẩu tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Đỗ Tuấn – Thuý Hiên