Qua thực nghiệm phun thuốc bằng thiết bị không người lái cho thấy, hạt dung dịch thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ và mịn. Điều này sẽ giảm thiểu được được lượng thuốc cần phun trên một đơn vị diện tích mà vẫn đảm bảo trải đều thuốc trên bề mặt lá lúa; đầu phun liên tục xoáy tròn đều có thể giúp cho việc tiếp xúc của dung dịch thuốc đến các vết bệnh hoặc sâu hại ở phía dưới mặt lá lúa hiệu quả hơn.

Theo kết quả thống kê của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tại nhiều điểm thực nghiệm, phun thuốc bằng thiết bị drone giúp tăng năng suất lao động từ 15-30 lần và giảm giá thành sản xuất do rút ngắn thời gian phun thuốc trên 1 đơn vị diện tích và giảm khoảng 30% lượng thuốc BVTV so với bơm thuốc thông thường (bơm tay, bơm tay gắn động cơ…). Mỗi lần bay phun thuốc, thiết bị bay có thể mang theo khoảng 10 lít dung dịch thuốc. Nếu như trước đây, bà con nông dân sử dụng 300-400 lít dung dịch thuốc BVTV để phun cho 1ha lúa thì nay với công nghệ drone này chỉ tốn khoảng 10-15 lít dung dịch thuốc/ha nhưng với sự tích hợp các công nghệ lập trình sẵn đường bay, hệ thống 4 béc phun li tâm… hạt dung dịch thuốc được khuyết tán đều khắp trên bề mặt lá lúa.

Bà con nông dân tham gia Hội thảo cho rằng xịt thuốc thủ công bằng bình phun bơm tay sẽ không đều do bước đi và tay cầm cần phun đưa không đều nên sâu bệnh vẫn còn sót lại trên ruộng sau khi phun thuốc. Sử dụng thiết bị bay kết hợp phun thuốc, lượng thuốc được phân bổ đều trên bề mặt ruộng lúa do đường bay không chồng lấn lên nhau. Ngoài ra còn giảm được lượng thuốc, thời gian phun thuốc, tránh dẫm đạp khi đi lại trong quá trình phun thuốc và đặc biệt là tránh sự tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV… so với phun thuốc thủ công bằng bình bơm tay.

Drone trình diễn phun thuốc BVTV trên cánh đồng lúa của HTX NN Phước Sơn

 

Cũng trong Hội thảo, nhiều chuyên gia của ngành nông nghiệp cho rằng, để tăng hiệu quả khi sử dụng drone để phun thuốc BVTV cần thực hiện tốt một số khâu. Thứ nhất, loại thuốc sử dụng phải phù hợp với tính năng của thiết bị để hạt dung dịch thuốc sau khi đi ra khỏi béc phải cực nhỏ, làm sao để trải đều lượng dung dịch thuốc trên một đơn vị diện tích cây trồng; Thứ hai, những hạt dung dịch thuốc phải đảm bảo chất lượng (đủ liều lượng, đủ thành phần hợp chất…); Thứ ba, thuốc phải được hòa tan đều trong dung môi (nước) để tránh hiện tượng nghẹt béc trong quá trình phun; Thứ tư, các sản phẩm thuốc BVTV cần phải được cải thiện chất lượng, tích hợp công nghệ cao phù hợp cho sử dụng với thiết bị phun không người lái, theo đó, dung dịch thuốc khi gặp bề mặt lá phải thấm sâu, lưu dẫn tốt và thuốc phải được dẫn đến tận nơi dịch hại (con sâu hoặc vết bệnh trên lá lúa…).

Việc sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV không những góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động nông nghiệp ở nông thôn hiện nay, hạn chế ô nhiễm môi trường và hơn thế nữa là từng bước đẩy mạnh “số hóa” trong nông nghiệp. Bước đi này nhằm hiện thực hóa những ước vọng về một nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao vị thế và chất lượng cuộc sống của người nông dân góp phần xây dựng và hình thành những vùng nông thôn đáng sống./.

Đinh Văn Toại

Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định