Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người nông dân đã tích lũy được kinh nghiệm trồng, canh tác các loại cây ăn trái chủ lực. Hiện nay, Bình Phước đã và đang hình thành một số vùng cây ăn trái tập trung như vùng Sầu Riêng, Chôm chôm tại các huyện Bù Đăng, Lộc Ninh; vùng Cam, Quýt, Nhãn tại các huyện Hớn Quản, Đồng Phú và TX Bình Long, TX Phước Long…

Xây dựng vùng cây ăn trái tập trung, hiệu quả, tận dụng lợi thế sản xuất là một giải pháp tốt cho việc giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội; tạo tiền đề để nông dân và doanh nghiệp thuận lợi trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững một cách lâu dài ổn định. Điển hình với cách làm đó là vườn sầu riêng của gia đình anh Võ Thanh Lâm (Tổ hợp tác Đakon) ngụ ấp Bình Tiến - xã Nghĩa Bình - H. Bù Đăng - Bình Phước đã triển khai thực hiện canh tác liên kết theo hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời theo hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ. Với hình thức liên kết này, hợp đồng được ký ở đầu vụ hàng năm và ấn định thời điểm sản xuất, giao hàng, số lượng, yêu cầu chất lượng và giá thành sản phẩm.

Với diện tích hơn 2 ha, cùng với hơn 7 năm kinh nghiệm canh tác sầu riêng, gia đình anh kiên trì học tập kinh nghiệm và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ các quy trình sản xuất, sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng, thực hiện tốt khâu phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn của nhà thu mua (loại 1,2,3) với giá bao tiêu đầu vụ của loại 1 là 45.000 đồng/kg tại vườn, toàn bộ sản phẩm thu hoạch sẽ được phía công ty bao tiêu từng đợt theo hợp đồng ký kết, đảm bảo lợi ích hài hòa của 2 bên. Đồng thời, với mô hình liên kết với công ty thì gia đình được hỗ trợ tạm ứng đầu vào (phân bón, thuốc bvtv...), công ty cử cán bộ kỹ thuật giám sát định kỳ, hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng cây trồng vượt trội đáng kể so với cách làm thông thường. Hiện nay với 170 cây sầu riêng Ri6 cho thu hoạch ổn định, doanh thu trung bình của gia đình anh đạt gần 1,1tỷ đồng/năm. Qua gần 1 năm thực hiện mô hình chuỗi sản xuất liên kết này bước đầu đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân, việc tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng như trên thì nông dân bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, yên tâm sản xuất giảm rủi ro về giá cả do giá thu mua đã được định sẵn từ đầu vụ, còn doanh nghiệp thì được nguồn cung ứng sản phẩm ổn định thuận lợi cho việc cung cầu thị trường phát triển vùng sản xuất.

Từ những hiệu quả thiết thực của mô hình liên kết chuỗi hợp tác này, để nhân rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất cây ăn trái nói chung và thâm canh cây sầu riêng nói riêng, ngành nông nghiệp tỉnh rất chú trọng hình thức kết nối chuỗi giá trị sản phẩm, đặc biệt là nâng cao vai trò của các doanh nghiệp, HTX, nông dân trong việc sản xuất để chuyển biến tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy sản xuất nông nghiệp kinh tế, kết nối lợi ích lâu dài, là động lực để nông dân sản xuất, nghiên cứu để có những giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập cho bà con nông dân./.

Mai Hưng

Trung tâm Dịch vụ NN Bình Phước