Cây thoát nghèo trên vùng đất trũng

Từng được xem là loài cây mọc dại nhưng hiện nay bồn bồn đã “vươn mình” trở thành mặt hàng đem lại nguồn thu nhập rất khả quan cho nhiều hộ gia đình tại các xã Mỹ Tú, Mỹ Thuận và Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng).

Ông Chung Văn Hiền, người tiên phong trồng bồn bồn tại xã Mỹ Thuận cho biết: “Vùng đất này trũng thấp, 6 tháng nước mặn, 6 tháng nước lợ nên không thể trồng lúa hay loài cây nào khác. Sau khi đến Cà Mau tham quan, tôi về trồng trên 15 công đất bỏ hoang của mình và đã có thu nhập khả quan. Bình quân mỗi công (1.000 mét vuông), sau khi trừ chi phí tôi còn lãi trên 8 triệu đồng/năm lại không phải bỏ công chăm sóc”.

Là loài cây dễ trồng, thích nghi tốt với nhiều môi trường, bồn bồn sinh trưởng rất nhanh và ít bị sâu bệnh. Từ ngày cấy giống, sau khoảng 3 đến 4 tháng là có thể thu hoạch. Lứa này thu hoạch xong sẽ “mọc con” cho ra lứa mới tiếp nối nên việc thu hoạch được gần như quanh năm. Mùa cao điểm nhất của bồn bồn cũng là giai đoạn bồn bồn tươi ngon nhất là những tháng mùa mưa (thường từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch ) hàng năm. Nếu trồng đúng cách, mỗi công trồng sẽ cho khoảng 400 kg/năm.

Cây bồn bồn trên xã Mỹ Tú

 

Ăn nên làm ra từ cây bồn bồn

Thấy được tiềm năng của nguồn tài nguyên thiên nhiên này, hiện nay hàng trăm hộ dân đã tận dụng những khu đất trũng vốn hoang hóa để trồng bồn bồn bán cho thương lái đến thu mua. Từ đó đã có nhiều lao động có việc làm ổn định. Các công việc từ việc nhổ, làm sạch, cắt tỉa thành phẩm, làm dưa bồn bồn… tương đối dễ dàng, không đòi hỏi nhiều sức nên người cao tuổi, trẻ em cũng có thể làm để có thêm thu nhập.

Bà Thái Thị Thanh, 67 tuổi ngụ xã Mỹ Phước phấn khởi nói: “Nhà tôi có 5 công đất nhiễm mặn nên bỏ hoang, từ khi trồng bồn bồn mỗi năm có thêm xấp xỉ 40 triệu đồng mà đâu cần phân thuốc, chăm sóc gì đâu. Đã vậy, tôi và đứa cháu nội đang học cấp 3 tranh thủ làm thuê ở một cơ sở làm dưa bồn bồn gần nhà, mỗi ngày hai bà cháu có thêm từ 200.000 - 250.000 đồng. Cuộc sống bây giờ ổn định lắm”.

Thừa thắng xông lên, đầu năm 2018, Tổ hợp tác (THT) bồn bồn đầu tiên ấp Mỹ Hưng (xã Mỹ Tú) được thành lập với 08 thành viên chuyên trồng bồn bồn với diện tích hơn 07 ha. Hiện nay đã trên 20 thành viên tham gia THT.

Chị Huỳnh Thị Tố Hoa, Tổ trưởng THT cho biết: “Chúng tôi thường đi thu gom bồn bồn của các xã viên và mua thêm của bà con trong huyện để đủ số lượng giao cho đầu mối trong tỉnh và các thương lái ở Bạc Liêu, Cần Thơ, An Giang, TP.HCM, cả thương lái từ Căm-pu-chia cũng sang đây mua bồn bồn. Hiện nay giá thu mua bồn bồn tại ruộng là 22.000 đồng/kg; sau khi sơ chế sẽ bán lại với giá 27.000 đồng/kg. Riêng giá bán dưa muối bồn bồn hiện từ 33.000 - 36.000 đồng/kg, tăng mỗi loại từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Người trồng bồn bồn phấn khởi lắm”.

 
Một điểm sơ chế bồn bồn

 

Nhiều người trồng bồn bồn cho biết thêm, đây được xem là món rau có thể dùng để làm gỏi, nấu canh mặn ngọt, xào, kho, làm dưa và ăn kèm với rất nhiều món ăn khác, đặc biệt là bồn bồn ở huyện Mỹ Tú có độ xốp rất cao, màu sắc bắt mắt, vị ngon và thanh, có thể bảo quản nhiều ngày.

Ông Võ Minh Quân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Tú cho biết: “Bồn bồn được xác định là loại cây thế mạnh của huyện để phát triển trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ triển khai xây dựng dự án phát triển loại cây này với qui mô lớn kết hợp nuôi tôm càng xanh theo hướng tự nhiên, góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp tục hỗ trợ các THT nâng cao giá trị các sản phẩm làm ra từ cây bồn bồn”.

Một nguồn tài nguyên phong phú trên vùng trũng mặn Mỹ Tú, Sóc Trăng đã và đang được khai thác đúng mức, đúng lúc mang lại nhiều tín hiệu lạc quan cho nông dân vùng đất khó.

Phan Thị Anh Thư

Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Cần Thơ