Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (HTX) được thành lập năm 2016, với 27 thành viên. HTX tổ chức sản xuất cà phê bền vững theo hướng nông lâm kết hợp và thực hiện một số dịch vụ liên kết chuỗi giá trị để bao tiêu sản phẩm làm ra, quy mô sản xuất là 103 ha cà phê kinh doanh.

Đến tham quan mô hình sản xuất của HTX, bà Triệu Thị Châu - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh cho biết: Sau hơn 03 năm thành lập, với sự nỗ lực của toàn thể xã viên, HTX đã cơ bản cải tạo xong vườn cà phê trồng hỗn tạp theo truyền thống thành vườn cà phê đa canh có nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhờ canh tác theo hướng nông lâm kết hợp đã hạn chế được sự xói mòn rửa trôi đất, giảm bớt chi phí đầu tư cho vườn cây, cây sinh trưởng phát triển tốt hơn. Mặt khác, môi trường sinh thái trong vườn cà phê có trồng xen cây ăn quả rất ôn hòa, đặc biệt là hệ vi sinh vật đất và côn trùng trong lô cà phê phát triển rất mạnh và luôn cân bằng, không gây hại đến cây trồng, độ phì nhiêu của đất tăng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của HTX đạt 500 triệu đồng/ha/năm, gấp hơn 2 lần so với các vườn cà phê không trồng xen, cá biệt có hộ thu tới 2 tỷ đồng/ha, giá trị tăng lên là nhờ sản phẩm từ các cây trồng xen.

Cán bộ khuyến nông Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đến tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững theo hướng nông lâm kết hợp tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh

Về cách làm của HTX, bà Châu chia sẻ thêm: Thứ nhất là sự quyết tâm cao của toàn thể thành viên HTX đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp truyền thống bằng các loại cây trồng giống mới có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt. Thứ hai là việc trồng và chăm sóc cây trồng đúng quy trình kỹ thuật khuyến cáo của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Thứ ba là các giống cây trồng sử dụng đều đảm bảo đúng giống, đúng chất lượng, mua giống ở những nơi sản xuất giống có uy tín; những loại cây giống HTX mua về trồng đó là giống cà phê dòng vô tính TR4, TR9, giống sầu riêng monthong, bơ booth7, mãng cầu xiêm, măng cụt, mắc ca... của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ Ea Kmat.

Mọi thành viên của HTX đều được tập huấn để nắm vững kỹ thuật, đồng thuận cùng nhau thực hiện đúng mục tiêu, nhiệm vụ HTX đề ra; từ đó làm rất tốt từ việc rà soát hiện trạng cây trồng hiện có, đánh giá phân loại cây trồng, chất đất, chỗ nào đất tốt thì sẽ bố trí trồng xen cây sầu riêng, bơ, chỗ nào đất trung bình đến xấu thì bố trí trồng xen bằng cây mãng cầu, mắc ca, dưới tán sầu riêng thì bố trí trồng thêm cây măng cụt. Cây trồng xen luôn đảm bảo mật độ, khoảng cách theo quy trình và phù hợp với thực tế của vườn, không trồng quá thưa gây lãng phí đất, trồng quá dầy sẽ ảnh hưởng đến cây trồng chính. Xung quanh lô bố trí trồng muồng đen, mít Thái và cây hồ tiêu dưới gốc cây muồng.

Về kỹ thuật chăm sóc: Khi cây còn nhỏ thì tiến hành xới xáo đất tơi xốp quanh vùng gốc. Khi cây đã lớn, có tán che phủ thì hạn chế đào bồn xới xáo. Việc làm cỏ trong vườn được dùng bằng máy cắt cỏ là chính, khống chế cỏ ở độ cao từ 5-10 cm, không cho cỏ ra hoa. Sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây là chủ yếu, chỉ dùng thêm loại phân NPK để bón thúc; bón bằng cách rải đều phân trên bề mặt đất vùng cần bón, không bón vào gốc cây. Chú ý không cắt cành tạo hình quá đau; việc vặt chồi vượt và cắt bỏ cành bị sâu bệnh được tiến hành thường xuyên, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tuyệt đối không dùng thuốc trừ cỏ trong lô cà phê.

Về thu hoạch và chế biến sản phẩm: Sản phẩm cà phê được thu hoạch khi quả đã chín hoàn toàn để áp dụng chế biến ướt. Hạt được phơi trong nhà lồng kính để bán sản phẩm với giá cao hơn, có thời điểm HTX bán được giá 200.000 đồng/kg hạt nhân xô. Đối với các cây trồng xen thì HTX  tổ chức thu hái khi quả đã đạt độ chín, không thu hái quả non và dùng chất kích thích chín, tất cả các loại quả đều đảm bảo chất lượng tự nhiên, hương vị thơm ngon, vì vậy thương lái quanh vùng đều tìm đến ký kết hợp đồng bao tiêu hết sản phẩm với giá luôn cao hơn giá thị trường.

Địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, tình hình canh tác  cà phê hiện nay rất đa dạng, phong phú, có nơi thì trồng thuần cà phê theo hướng đầu tư thâm canh cao để tăng năng suất, có nơi thì trồng xen nhiều loại cây trồng trong vườn cà phê để tăng thu nhập và tránh bớt rủi do. Tuy nhiên, mỗi hình thức canh tác đều có ưu điểm và hạn chế nhất định; nhìn chung về thực tế thì các hình thức nêu trên vẫn còn nhiều bất cập chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Với điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp và giá cà phê đang trong thời kỳ xuống thấp nhất hiện nay; việc canh tác độc canh cây cà phê hoặc trồng xen nhiều loại cây trồng trong vườn cà phê không đúng kỹ thuật khuyến cáo đều mang lại hiệu quả thấp so với canh tác cà phê theo hướng nông lâm kết hợp đúng quy trình kỹ thuật khuyến cáo. Vì vậy, tuyên truyền phổ biến kiến thức kỹ thuật canh tác cà phê bền vững theo hướng nông lâm kết hợp cùng với việc tham quan học tập thực tế các mô hình canh tác cà phê bền vững như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh đã thực hiện thành công là việc làm cần thiết cho mọi người dân trồng cà phê hiện nay./.

Nguyễn Văn Tâm

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia