Sau 3 năm triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã thành lập được 26 mô hình tái canh cà phê, với quy mô 13 ha có 26 hộ dân tham gia. Mô hình được đầu tư, triển khai tại các xã, phường thuộc 6 huyện, thành phố (Gia Nghĩa, Đăk Rlấp, Đắk Glong, Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô) đảm bảo đúng quy trình, tiến độ thực hiện. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cây giống, 50% vật tư các loại. Qua quá trình theo dõi, tỷ lệ sống trung bình của các điểm sau 3 năm đạt trên 90%, ổn định trung bình khoảng 22 cặp cành/cây,  năng suất năm thứ 3 đạt từ 0,5-1 tấn nhân/ha, tỷ lệ bệnh vàng lá được xử lý và giảm khoảng <5%. Để đạt được kết quả khả quan như vậy phải có sự kết hợp, tác động từ nhiều yếu tố như lựa chọn giống phù hợp, vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng, công tác chỉ đạo kỹ thuật kịp thời, sự tham gia nhiệt tình, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật tái canh cà phê của các hộ dân…

Theo ông Lục Văn Đoàn tại thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, là một hộ thực hiện mô hình tái canh cho biết: “Trước đây gia đình tôi đã thực hiện tái canh nhưng do không được hướng dẫn kỹ thuật, làm theo kinh nghiệm nên sau trồng một năm thì vườn cây bị vàng lá và khô cành rồi chết dần. Năm 2018 thông qua chương trình được chọn làm mô hình, gia đình tôi tiếp tục trồng lại trên diện tích trước đây đã tái canh 1 lần và thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt là sử dụng phân chuồng để bón lót với lượng 10-15 kg/hố, trồng cây che bóng, chắn gió, để thảm cỏ che phủ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thường xuyên thăm vườn và xử lý kịp thời bệnh thối rễ, vàng lá nên sau 3 năm trồng vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt. Năm thứ 3 cho năng suất 0,5 tấn nhân/0,5 ha. Bước sang năm thứ 4, vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ vàng lá không đáng kể, ước tính niên vụ 2021-2022 năng suất đạt 1,4 tấn nhân/0,5ha”.

Theo ông Nguyễn Quang Triều, thôn Xuân Trang, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, là một người dân canh tác cà phê lâu năm đánh giá, mô hình tái canh cà phê là một trong những mô hình sát thực với nhu cầu và nguyện vọng của người dân địa phương, thành công từ mô hình sẽ làm điểm tham quan, học tập cho người dân để nhân rộng mô hình. Khi tham gia, ngoài việc được hỗ trợ giống, vật tư đảm bảo chất lượng thì các hộ được hướng dẫn kỹ thuật ngay tại vườn, biết cách áp dụng quy trình tái canh vào thực tế nên cây cà phê sinh trưởng khỏe, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, tỷ lệ nhiễm bệnh vàng lá thấp hơn so với một số vườn cà phê của các hộ dân địa phương tái canh cùng thời điểm. Cuối năm 2020 gia đình ông thu được 0,6 tấn nhân/0,5ha; niên vụ 2021-2022 ước đặt 1,5-2 tấn nhân/0,5 ha.

Mô hình tái canh cà phê tại xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, Đắk Nông (ảnh chụp trước ngày 27/4)

 

Như vậy, để người dân trồng cà phê thực hiện tái canh đạt hiệu quả cao cần áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 2085/QĐ-BNN -TT ngày 31/5/2016. Đồng thời trong quá trình thực hiện cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, đồng thời tăng cường sử dụng phân hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ,…

Bên cạnh đó, các điểm trình diễn tái canh cà phê do Trung tâm Khuyến nông thực hiện được xem là những mô hình điểm để người dân trong vùng tham quan học tập và áp dụng làm theo nhằm thay thế diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tăng thu nhập, giải quyết việc làm, ổn định xã hội, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh nhà ngày càng phát triển trong tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông Đăk Nông