Tuy nhiên, hiện nay ngành cà phê vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức như biến đổi của khí hậu trong nhiều năm trở lại đây, hạn hán liên tục xảy ra trên diện rộng, giá cả lên xuống thất thường, thị trường không ổn định, năng suất và chất lượng cà phê chưa cao, thiếu tính an toàn, sức cạnh tranh kém, giá trị xuất khẩu còn thấp. Việc người nông dân canh tác theo phương thức cũ vẫn còn phổ biến như bón quá nhiều phân hóa học, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm cho môi trường nước, đất, không khí có nguy cơ bị ô nhiễm rất cao cũng như tồn dư hóa chất trong nông sản.

Đứng trước thực trạng trên, năm 2019 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông đã triển khai thành lập các điểm trình diễn sản xuất cà phê bền vững từ nguồn kinh phí của Dự án VnSAT tỉnh Đăk Nông với quy mô 60 ha cho 60 hộ dân tham gia thuộc các huyện, thành phố của Dự án. Nhằm mục đích chuyển giao các tiến bộ khoa học trong sản xuất cà phê, từng bước thay đổi tập quán canh tác từ phương thức cũ sang canh tác theo hướng bền vững, nâng cao năng suất cũng như chất lượng, tăng hiệu quả trên cùng 1 đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người sản xuất.

Để đánh giá lại những kết quả đã đạt được sau 9 tháng triển khai mô hình cũng như rút ra được bài học kinh nghiệm, từ ngày 23 – 25/6/2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông đã tổ chức 06 cuộc hội thảo tổng kết mô hình tại 6 huyện, thành phố (huyện Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, Đắk Rlấp và thành phố Gia Nghĩa) với gần 180 lượt người tham gia.

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững

 

Mặc dù là chưa đến thời điểm thu hoạch nên chưa tính toán được năng suất, hiệu quả kinh tế nhưng thông qua các cuộc hội thảo và quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát thì khi tham gia mô hình các hộ dân sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, theo nguyên tắc 4 đúng; có ý thức trong việc bảo vệ môi trường; sử dụng phân bón cân đối hợp lý đặc biệt là người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng phân bón hữu cơ, cây che bóng; ..

Theo ông Phạm Đăng Khương người dân tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững tại thôn 3, xã Đắk Ha, huyện Đắk Gong thì nhận định khi tham gia mô hình được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật theo định kỳ nên việc canh tác cà phê đã giảm khoảng 20-30% chi phí về vật tư phân bón, thuốc BVTV (do sử dụng phân đơn để bón nên giá thành thấp hơn so với trước đây khi sử dụng các loại phân bón hỗn hợp, thuốc trừ rầy rệp thì chỉ phun khi trên cây cà phê có xuất hiện không phun theo định kỳ như trước và tuyệt đối không được phun thuốc trừ cỏ).

Theo ông Dương Văn Khoái, Khuyến nông viên phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa là một trong những người có kinh nghiệm trong sản xuất cà phê, phụ trách mảng nông nghiệp của phường cho biết: Việc sản xuất cà phê muốn đạt năng suất cao, ổn định thì phải bổ sung lượng phân bón hữu theo định kỳ  cho cây cà phê và cân đối giữa phân đa lượng, trung lượng và vi lượng, phải trồng cây che bóng với mật độ được khuyến cáo.

Như vậy, canh tác cà phê theo hướng bền vững đã góp phần tạo điều kiện sống, điều kiện làm việc tốt cho nông dân trồng cà phê. Thông qua mô hình người dân đã ý thức được việc thu hoạch đúng tiêu chuẩn là rất cần thiết, chất lượng nông sản nâng cao, tăng thu nhập cho người trồng cà phê. Bên cạnh đó canh tác cà phê bền vững đã làm giảm lượng thuốc BVTV và phân bón tồn dư trong môi trường, góp phần cân bằng sinh thái, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sự phát triển của một số loại bệnh hại nguy hiểm. Tăng chất lượng sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông