Thanh long là loại cây thuộc họ xương rồng, ưa nắng, ít bệnh, chịu hạn tốt, thích nghi với nhiều loại đất khô cằn. Trồng thanh long tuy phải đầu tư ban đầu cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, nhưng nguồn lợi và hiệu quả kinh tế cũng vượt trội hơn hẳn. Chỉ mất 12 - 18 tháng chăm bón, các gốc thanh long đã có thể cho quả bói, thu hoạch nhiều đợt. Từ năm thứ 2 trở đi (sau khi cho quả bói), năng suất quả tăng dần và có thể cao gấp đôi năm trước.

Chính vì những ưu điểm này, nên 10 năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã chuyển đổi hẳn sang trồng cây thanh long, trong đó chủ yếu là thanh long ruột đỏ. Toàn huyện hiện có gần 56 ha, tập trung chủ yếu tại thị trấn Ba Hàng Đồi và xã Phú Thành, có khoảng 45 ha thời kỳ kinh doanh. Năng suất trung bình 18 - 20 tấn/ha; sản lượng ước đạt 800 - 900 tấn/năm.

Thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy hiện có 40 hộ trồng thanh long ruột đỏ với tổng diện tích 26 ha. Các hộ áp dụng kỹ thuật trồng thanh long trên giàn chữ T, đây là kỹ thuật trồng mới nhất hiện nay. Theo tính toán, mặc dù chi phí ban đầu cho việc làm giàn cao hơn so với làm trụ bê tông, nhưng cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn bởi tiết kiệm được nhân công lao động, mỗi năm cho thu hoạch 4 - 5 lứa. Với cách trồng này không chỉ giúp người dân tiết kiệm diện tích đất, tăng cường cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo hướng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu mà còn tăng năng suất, thu lợi nhuận cao hơn so với phương pháp trồng trụ truyền thống.

Tham quan vườn mẫu hộ ông Trần Quốc Hoàn - thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy - vườn mẫu đạt giải A toàn tỉnh; vườn có diện tích 6.000 m2; thu nhập vườn hộ năm 2021 là 300 triệu đồng/năm,tỷ lệ hàng rào xanh đạt 83%, cảnh quan vườn xanh - sạch - đẹp hài hòa phong cảnh làng quê nông thôn.

 
Vườn mẫu hộ ông Trần Quốc Hoàn trồng thanh long ruột đỏ đem lại lợi nhuận cao và thu nhập ổn định

 

Ông Hoàn cho biết, trước kia gia đình ông sinh sống bằng nghề trồng lúa, nhưng do khu vực canh tác không đủ nước nên chuyển sang trồng ngô, lạc, mía. Ông còn tận dụng mảnh đất đồi gần 1 ha đầu tư trồng keo lấy gỗ. Tuy nhiên, thời gian cho thu hoạch thường kéo dài 5 - 7 năm nên hiệu quả kinh tế không cao. Vất vả làm ăn quanh năm, nhưng cuộc sống gia đình ông vẫn còn nhiều khó khăn. Đến năm 2015, tình cờ biết đến mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất đồi cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, ông Hoàn mạnh dạn đầu tư 600 gốc thanh long ruột đỏ với hy vọng, loại cây trồng mới này sẽ giúp gia đình thoát nghèo.

Sau 18 tháng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn thanh long sinh trưởng và phát triển tốt, bắt đầu cho những quả bói đầu tiên. Từ năm thứ 3 trở đi, vườn cho thu hoạch gấp 3 lần năm thứ nhất và bắt đầu ổn định về sản lượng. Đến nay, vườn thanh long ruột đỏ của ông mỗi năm cho sản lượng 11 - 12 tấn quả đảm bảo chất lượng và đều đặn đem về thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm.

Ông Hoàn chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ sắp đến kỳ thu hoạch

 

          Mùa thu hoạch thanh long ở đây thường từ tháng 6 đến tháng 11, cứ 15 ngày lại cho thu hoạch một đợt. Khi thanh long đạt trọng lượng 0,4 - 0,7 kg/quả là có thể thu hái. Mỗi gốc thanh long cho thu hoạch từ 5 - 6 đợt quả. Tính riêng năm 2021, gia đình ông Hoàn thu hoạch hơn 12 tấn quả, với giá bán khoảng 17.000 - 20.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông Hoàn thu được khoảng 150 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, việc phát triển cây thanh long ruột đỏ tại huyện Lạc Thủy đang gặp những khó khăn, thách thức, như diện tích thanh long hiện có trồng tự phát, chưa được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; chất lượng cây giống không đồng đều, không được kiểm soát dịch hại trước khi đưa ra trồng đại trà. Việc áp dụng KHKT vào sản xuất còn hạn chế, chủ yếu tự học hỏi kinh nghiệm. Còn tình trạng lạm dụng thuốc BVTV và các chất kích thích sinh trưởng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo nguyên tắc "4 đúng”. Mẫu mã, chất lượng quả không đồng đều giữa các vườn. Tuy đã được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, song việc quản lý, giám sát mã số được cấp chưa được chính quyền địa phương, HTX và nông dân quan tâm đúng mức. Đầu ra cho sản phẩm chủ yếu vẫn bán lẻ tại các chợ trong và ngoài huyện, một số ít được tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Hiện duy nhất HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà có bao bì cho sản phẩm, nhưng mã số vùng trồng được cấp chưa sử dụng để gắn trên bao bì  hàng hóa…

Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: UBND huyện đang xúc tiến xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Thanh long Lạc Thủy” cho sản phẩm thanh long ruột đỏ, dự kiến năm 2022 sẽ hoàn thành. Song song với việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, đề nghị cấp có thẩm quyền cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở sơ chế, đóng gói thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện; đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các mã số được cấp. Đây là điều kiện quan trọng không thể thiếu để thanh long ruột đỏ Lạc Thủy có thể xuất khẩu. Trước mắt, cần tập trung đầu tư cho sản xuất quả tươi phục vụ thị trường nội địa; từng bước xúc tiến thương mại để xuất khẩu. Về lâu dài, cần nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm từ quả thanh long như thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép... nhằm đa dạng sản phẩm thanh long cung cấp cho thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tình trạng "được mùa, mất giá"./.

Phương Thúy

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình