Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan, đơn vị: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố, các tổ chức chủ trì, chủ nhiệm dự án khuyến nông trung ương ở phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra), các cơ quan thông tấn báo chí. Chủ trì hội nghị là lãnh đạo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái.

Đại diện lãnh đạo Vụ KHCN-MT, TTKNQG, Sở NN&PTNT Yên Bái chủ trì hội nghị 

Hội nghị đã tập trung làm rõ các vấn đề về: tình hình tổ chức và hoạt động của hệ thống khuyến nông các cấp; phương thức tổ chức, quản lý và phối hợp triển khai thực hiện; hoạt động khuyến nông trung ương, khuyến nông địa phương năm 2019 và định hướng năm 2020; kiến nghị, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi các cơ chế, chính sách, định mức khuyến nông.

Trên cơ sở kết quả trao đổi, thảo luận và kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị, đồng chí Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổng kết hội nghị như sau:

1. Về hệ thống tổ chức khuyến nông

Hệ thống tổ chức khuyến nông được chính thức thành lập từ năm 1993 và trong thời gian qua đã không ngừng phát triển lớn mạnh từ trung ương đến cơ sở. Khuyến nông Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp “Đổi mới”, phát triển của ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nước ta. Những sản phẩm nông sản nổi tiếng của Việt Nam ở cả thị trường trong nước và quốc tế đều có dấu ấn, đóng góp của khuyến nông. “Khuyến nông Việt Nam” là thương hiệu, là tài sản vô giá mà mỗi tổ chức khuyến nông, cán bộ khuyến nông, người làm công tác khuyến nông đều có trách nhiệm duy trì, dựng xây để khuyến nông tiếp tục phát triển. Nâng cao vai trò, vị thế của khuyến nông bằng hành động thực tế và chứng minh bằng những giá trị được kết tinh trong từng sản phẩm cụ thể.

Hiện nay, ở các địa phương đang tiến hành sắp xếp hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Khóa XII. Đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có hệ thống khuyến nông. Đây vừa là cơ hội và cũng vừa là thách thức mà hệ thống khuyến nông các cấp cần phải vượt qua, khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố cần chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh để có phương án sắp xếp phù hợp, đảm bảo các nguyên tắc: không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, không làm yếu hiệu quả hoạt động khuyến nông; sau khi sắp xếp, chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến nông phải tốt hơn trước; mối quan hệ phối hợp công tác giữa các đơn vị trong hệ thống khuyến nông các cấp và với các cơ quan quản lý, chuyên môn ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương các cấp phải đảm bảo liên thông, xuyên suốt từ chỉ đạo cho đến tổ chức thực hiện. Khuyến nông Việt Nam phải là một thể thống nhất mang tính hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, từ chỉ đạo cho đến hành động thực tế.

PGS.TS Lê Quốc Thanh - GĐ TTKNQG phát biểu tổng kết hội nghị

2. Về đổi mới hoạt động khuyến nông

Trước bối cảnh mới, các tổ chức khuyến nông, cán bộ khuyến nông cần có những đổi mới cả về tư duy và cách tiếp cận trong hoạt động khuyến nông. Khuyến nông cần làm tốt vai trò cầu nối giữa khoa học công nghệ và sản xuất, giữa sản xuất và thị trường, kết nối cung cầu, hội nhập, ứng phó với BĐKH,... Để thực hiện được tốt vai trò này, ngoài kiến thức về kỹ thuật, kinh nghiệm công tác, cán bộ khuyến nông cần phải được đào tạo bổ sung những kỹ năng mềm như: thông tin, thị trường, hội nhập, biến đổi khí hậu,...

Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông: Ngoài việc làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thì cần củng cố sự phối hợp, kết nối thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ hệ thống khuyến nông. Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau giữa các địa phương, đơn vị.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá khuyến nông: Từ kết quả của các mô hình trình diễn khuyến nông cũng như thực tiễn sản xuất phát hiện ra những nhân tố mới, sáng kiến mới, cách làm hay để từ đó tổng kết, đánh giá, phổ biến, nhân rộng ra sản xuất đại trà.

Các đại biểu thăm mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ Thác Bà

3. Về mối quan hệ, phối hợp công tác khuyến nông

Trong thời gian tới cần tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác giữa khuyến nông trung ương và khuyến nông địa phương để hệ thống khuyến nông là một thể thống nhất (không phải là đối tác của nhau như hiện nay). Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tham mưu, đề xuất để Bộ Nông nghiệp ban hành Quy chế phối hợp công tác trong hoạt động khuyến nông nhằm đảm bảo sự liên thông, xuyên suốt trong toàn hệ thống khuyến nông từ trung ương đến cơ sở.

Bên cạnh đó cũng cần tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa hệ thống khuyến nông các cấp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo (viện, trường là nơi cung cấp công nghệ đầu vào cho khuyến nông). Cần chủ động tiếp nhận, cập nhật các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để chuyển giao phục vụ sản xuất cũng như đề xuất, đặt hàng với các cơ quan nghiên cứu theo nhu cầu của sản xuất. Đồng thời cần đẩy mạnh mối quan hệ, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tích cực tham mưu, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ, Ngành Trung ương để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông và xây dựng Đề án tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông Việt Nam.

Nguyễn Bá Tiến

Ảnh: ĐT, TT