Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, cây cà phê được trồng tại 5 vùng sinh thái (22 tỉnh, 105 huyện) trong đó Tây Nguyên chiếm 89,8% diện tích cả nước. Năm 2018 diện tích cà phê cả nước là 688,4 nghìn ha, tăng 157,5 nghìn ha (29,7%) so với 10 năm trước (năm 2008); năng suất cà phê đạt 26 tạ/ha, tăng 4,5 tạ/ha (23,2%) so với năm 2008, sản lượng đạt 1,626 triệu tấn, khối lượng cà phê xuất khẩu năm 2018 đạt 1.882 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3.544 triệu USD. Cà phê hiện là một trong những nông sản có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu nước ta và là nông sản xuất khẩu chiếm vị trí thứ nhất của các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Tuy đã đạt được những kết quả rất quan trọng, nhưng ngành cà phê hiện đang đứng trước những thách thức đó là canh tác thiếu bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, diện tích tăng nhanh, vượt quy hoạch,... đặc biệt do biến đổi khí hậu, thời tiết và sâu bệnh hại diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Hiện tượng EL Nino gây hạn hán kèm theo các loại rệp sáp phát triển mạnh và khó phòng trừ, hiện tượng La Nina với nhiều ngày mưa kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát triển như hiện tượng thối quả, rụng quả cà phê, bệnh thối nứt thân,...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến định hướng phát triển cây cà phê; Thực trạng và các giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cà phê, đặc biệt cách phát hiện để phòng trị sớm đối với một số sâu, bệnh hại nghiêm trọng như: rệp sáp hại quả, rệp vảy xanh, mọt đục cành, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh thối quả (khô quả, rụng quả); bệnh thối nứt thân,... trên cây cà phê; Các vấn đề về quản lý dịch hại cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu, các giải pháp phòng trị tổng hợp cho cây cà phê, vấn đề về luật bảo vệ và kiểm định thực vật, bệnh viện cây trồng, công tác quản lý cây giống, các vấn đề về tái canh, trồng xen, kiểm tra tuyến trùng trong đất, kỹ thuật tạo cành bướu sinh cành,... cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Bế mạc hội thảo, TS. Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Để phát triển sản xuất cà phê bền vững, tạo ra sản phẩm hàng hoá ổn định về năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp cần chú ý các giải pháp sau:

- Giải pháp về quản lý đất trồng cà phê:

+ Không sử dụng đất có nguồn tuyến trùng và nấm bệnh để ươm cây cà phê. Đất ươm cây phải đất tơi xốp, hàm lượng mùn cao. Không được lấy đất trên những vùng đã trồng cà phê, hồ tiêu... đã thanh lý do bị bệnh.

+ Trước khi trồng cà phê cần phải cày bừa, phơi đất với thời gian ít nhất 2 tháng, rải vôi bột, thu gom nhặt rễ còn sót lại và đốt để tiêu hủy nguồn bệnh.Trước khi tái canh cà phê có thể phân tích mật độ tuyến trùng gây hại cà phê để xác định phương thức tái canh.

+ Xử lý hố trồng cà phê bằng một số loại thuốc trừ tuyến trùng kết hợp với một trong các loại chế phẩm sinh học trừ nấm. Hố trồng tái canh cà phê không đào trùng với hố trồng cà phê đã đào bỏ trước đó. Công việc đào hố và bón lót phải hoàn thành ít nhất 01 tháng trước khi trồng mới.

- Giải pháp về giống: Sử dụng các loại giống cà phê mới cho năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt đã được công nhận để thay thế diện tích cà phê già cỗi, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh

- Giải pháp về kỹ thuật canh tác:

Tuân thủ Quy trình trồng và chăm sóc cây cà vối, Quy trình tái canh (Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31/05/ 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Chú trọng các kỹ thuật canh tác sau:

+ Trồng cây chắn gió, cây che bóng, cây trồng xen:

Sử dụng một số các loại cây che bóng như cây muồng hoa vàng, muồng đen, keo dậu. Trường hợp trồng xen cà phê với cây ăn quả, cây công nghiệp như bơ, sầu riêng, tiêu,... cần tuân thủ quy trình theo Quyết định số 3702/QĐ-BNN-TT ngày 24/9/2018 để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế và giảm nguy cơ khi có rủi ro có thể xảy ra, mặt khác những cây này che bóng, cây chắn gió cho vườn cà phê.

+ Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ, vào đầu mùa khô có thể sử dụng rơm, rạ, thân cây họ đậu để tủ gốc, giữ ẩm cho cây cà phê.

+ Cắt cành và tạo hình cho cây cà phê hợp lý để cây thông thoáng, sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sự phát triển của sâu bệnh hại.

+ Bón phân cân đối, hợp lý giữa phân vô cơ và hữu cơ, khuyến khích bón phân hữu cơ nhằm tăng cường, cải tạo đất, tăng số lượng vi sinh vật có lợi trong đất. Áp dụng công nghệ bón phân dựa vào độ phì đất và năng suất đạt được sẽ giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe, bộ rễ tốt sẽ hạn chế được tác hại của các đối tượng sâu bệnh hại phát sinh từ đất.

+ Tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê, không áp dụng phương pháp tưới tràn, vì sẽ làm lây lan nguồn bệnh trong vườn cà phê.

-  Xử lý vườn bệnh bằng biện pháp hóa học: Chỉ khi phun các thuốc hóa học khi cần thiết, sử dụng các loại thuốc được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép, không sử dụng thuốc cấm, thuốc không có trong danh mục, thuốc chưa đăng ký. Áp dụng theo nguyên tắc 4 đúng trong khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia