Toàn cảnh hội thảo

 

Hội thảo nhằm mục tiêu chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của Dự án cây trồng an toàn JICA; tư vấn trao đổi về các phương pháp kỹ năng lập kế hoạch triển khai dự án.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao chủ trì và triển khai dự án: Tăng cường chuỗi giá trị an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam do chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Đây là dự án tiếp nối 02 dự án của JICA đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện trước đây, là: (1) Dự án "Tăng cường năng lực cho lĩnh vực quản lý ngành trồng trọt của Việt Nam để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng" triển khai năm 2010 đến 2014. (2)  Dự án "Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc” thực hiện 5 năm (từ tháng 7/2016 - tháng 7/2021).

Được biết, 02 dự án trên đã tập trung vào sản xuất cây trồng theo chuỗi nhưng chưa đề cập đến vấn đề về sơ chế, bảo quản và nhân rộng chuỗi giá trị, tăng cường tiêu thụ sản phẩm cây trồng an toàn trong nước và xuất khẩu, kết nối, xúc tiến thương mại, tăng cường năng lực về sử dụng công nghệ thông tin cho các tỉnh tham gia dự án,… Chính vì vậy, Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” được thực hiện trong thời gian 4 năm (2022 - 2026) tại các tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh và Sơn La sẽ kế thừa những kết quả đạt được của 02 dự án trước. Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ 02 dự án trước, hội thảo nghiên cứu, thảo luận những khó khăn, vướng mắc để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án một cách tốt nhất.

Ông Murooka Naomichi - Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

 

Qua các báo cáo tại Phiên 1 - Chia sẻ kiến thức Dự án cây trồng an toàn JICA: Giới thiệu sổ tay hướng dẫn Hệ thống quản lý sản xuất và sổ tay hướng dẫn phát triển chuỗi cung ứng (Tư vấn JICA); Những thực hành tốt nhất của Ban Quản lý dự án địa phương tỉnh Hưng Yên (PPMU Hưng Yên); Phản ánh các thực hành và bài học trong các hoạt động dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia… cho thấy vai trò quan trọng của PPMU, những thành tựu trong sản xuất của các đơn vị tham gia dự án đã phổ biến liên kết các hộ dân trong và ngoài dự án kỹ thuật ủ phân, cải tạo đất, ươm giá thể; phương pháp làm maketting, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, khuyến khích bà con ghi chép chi phí - năng suất cây trồng; Giám sát đánh giá chuỗi cung ứng, nâng cao nhận thức người tiêu dùng, thay đổi hành vi người sản xuất.

Tại Phiên 2 - Lập kế hoạch triển khai dự án: Tăng cường chuỗi giá trị an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam, hội thảo tập trung thảo luận về đầu ra, cũng như hiệu quả đạt được của dự án. Cụ thể: Tỉnh Hải Dương nâng cao sản xuất rau an toàn khoảng trên 500 ha, sản xuất theo VietGAP trên 6.000 ha, tập trung vào cây bắp cải, cà rốt… đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Hưng Yên tập trung ứng dụng chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc, tăng bảo quản chế biến sâu sau thu hoạch. Đặc biệt, đại diện của Hà Nội mong muốn sau dự án sẽ nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, nông dân tham gia dự án; đẩy mạnh hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sản phẩm cho các Hợp tác xã, chủ trang trại…

PGS. TS. Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm KNQG phát biểu tại hội thảo

 

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS. TS. Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, với mong muốn phát triển sản xuất rau, quả theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân hướng tới thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp toàn diện và bền vững, gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu, ông hy vọng hội thảo sẽ đạt được mục tiêu đề ra góp phần giúp người dân sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất tại các vùng nông nghiệp trọng điểm cả nước, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đỗ Tuấn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia