Tham dự hội thảo có ông Trần Văn Khởi – Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, bà Vũ Thị Hương - GĐ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - Chủ tịch CLB KN đô thị, ông Phạm Lâm Chính Văn – GĐ Trung tâm Khuyến nông TP.HCM – Phó Chủ tịch CLB KN đô thị và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông của 19/22 tỉnh, thành phố thuộc Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị.

Theo ông Trần Văn Khởi, nông nghiệp 4.0 là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số. Yếu tố cốt lõi của nông nghiệp 4.0 là công nghệ thông tin, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Khác với nông nghiệp công nghệ cao đó là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp. Nông nghiệp 4.0 có ưu điểm tạo ra các nông sản chất lượng, năng suất cao ngay cả trong điều kiện bất thuận; điều kiện làm việc của người lao động tốt hơn, thông qua kết nối di động, ngồi ở nhà mà nông dân vẫn có thể biết được diễn biến lô thửa cây trồng trên đồng ruộng và từng ô chuồng, từng con gia súc để quyết định đúng, hiệu quả.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe nhiều tham luận giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm những thuận lợi, khó khăn trong tiếp cận và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Một số ý kiến tiêu biểu như: Tại Hà Nội hiện có 127 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao điển hình là mô hình sản xuất rau thủy canh của HTX dịch vụ nông nghiệp Đa Tốn, huyện Gia Lâm; mô hình sản xuất giống hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng… Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế đem lại cao, phù hợp với thực tế của địa phương… Hay như tại TP.Hồ Chí Minh diện tích đất canh tác rau ứng dụng công nghệ cao là 431,9 ha, với 82 đơn vị, hộ sản xuất, tỷ suất lợi nhuận 70%. Đối với trồng hoa, cây kiểng (cảnh) diện tích ứng dụng công nghệ cao là 13,9ha, với 25 đơn vị, hộ sản xuất và tỷ lệ lợi nhuận bình quân năm là 47,94%. Tổng đàn bò sữa ứng dụng công nghệ cao là 805 con với 12 hộ chăn nuôi và tỷ suất lợi nhuận là 19% và 73,83 ha với 104 hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao… Thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao với 14 đơn vị sản xuất với diện tích 65 ha sản xuất rau ăn lá, rau ăn quả, rau thủy canh, dưa lưới; Trung tâm công nghệ sinh học với các mô hình nhà máy sản xuất thực vật với diện tích 34m2 với hệ thống tự động về cung cấp và thu hồi dinh dưỡng bằng hệ thống thủy canh. Sản xuất hoa chuông, dưa lưới trong nhà màng với hệ thống cảm biến sensor và quạt đối lưu không khí vận hành tự động… Ngoài ra, còn có các đơn vị tư nhân ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp như Công ty TNHH Nông Phát, Công ty TNHH rau Tuấn Ngọc, VH farm, Mekong farm… Tại Lâm Đồng tổng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2018 ước đạt 54.477 ha, chiếm 19,5% diện tích đất canh tác, nhiều mô hình đạt giá trị từ 500 – 2 tỷ đồng/ha.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận và ứng dụng cách mạng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp của các địa phương hiện còn nhiều khó khăn. Sự tham gia ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất chưa nhiều, tập trung chủ yếu vào một số khâu, công đoạn, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Trình độ và kỹ năng của đội ngũ kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu mới, cơ sở hạ tầng phụ thuộc vào quy hoạch của địa phương, vốn đầu tư cao, giá sản phẩm chưa đủ khích thích nông dân sản xuất…

Để ứng dụng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả trước hết cần phải lựa chọn công nghệ phù hợp, sản phẩm phù hợp gắn với lợi thế, đặc trưng của vùng miền và thị trường, tích cực đổi mới và sáng tạo để tạo ra chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững. Thực hiện ưu tiên phát triển nông nghiệp 4.0 ở những nơi có điều kiện, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, hình thành các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững, an toàn và cạnh tranh. Để phát triển bền vững cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về nguồn nhân lực chất lượng cao, đất đai, cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu, vấn đề tài chính, thị trường và tổ chức sản xuất. Theo đó, cần thay đổi tư duy nông dân và doanh nghiệp, cần lấy thị trường làm cơ sở xác định quy mô, chủng loại, chất lượng… gia tăng độ tin cậy của người tiêu dùng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi tư duy trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Vân Tâm