Nhằm tổ chức lại sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi với quy mô lớn theo yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc; gắn với tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại; củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ như là một kênh liên kết cần thiết giữa người nuôi, trồng các sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và ngân hàng để tổ chức cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Lâm Đồng định hướng tổ chức lại sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi với quy mô lớn theo yêu cầu của thị trường

 

Các nội dung của Kế hoạch cần thực hiện trong thời gian tới là:

Thông tin, tuyên truyền, dự báo thị trường nông sản.

Tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết bền vững.

Tổ chức truy xuất nguồn gốc nông sản, số hoá sản xuất nông sản, điểm bán nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, nông sản hữu cơ.

Đầu tư hạ tầng thương mại dự trữ, bảo quản và dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Quản lý, kiểm soát, nâng cao chất lượng nông sản trong chuỗi.

Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản trong chuỗi.

Nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh trong kinh doanh tiêu thụ nông sản.

Các giải pháp mà Kế hoạch đưa ra là:

Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn đặc biệt là các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ các chủ thể tham gia liên kết tiêu thụ nông sản, chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng thương mại.

Xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Việc đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hướng đến ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, đồng bộ và hiện đại, xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học công nghệ. Tạo lập và duy trì các liên kết bền vững nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các chủ thể tham gia kênh sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản. Hình thành và phát triển các doanh nghiệp hoạt động liên kết bền vững, dẫn dắt, định hướng sản xuất và tiêu thụ nông sản theo yêu cầu của thị trường (trong và ngoài nước) tại các địa bàn sản xuất nông sản trong thời gian tới.

Bùi Hằng

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng