Những ngày này, có dịp trở lại xã Cốc Ly chứng kiến những đổi thay to lớn từ diện mạo nông thôn mới, đường bê tông mở đến tận bản, làng lưng chừng đồi núi; nhà xây cao tầng mọc lên; những đồi hoang được phủ xanh bởi cây quế, thậm chí đồi cao, hiểm trở ven sông chảy cũng được tận dụng để trồng quế. Cốc Ly đang chuyển mình mạnh mẽ, giàu lên từ trồng quế.

Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là thời điểm trồng quế khi tiết xuân se lạnh, thời tiết có mưa, đất ẩm tạo điều kiện cho quế bén rễ, nhanh thích ứng, sinh trưởng và phát triển tốt. Cũng như một số hộ dân khác của xã, gia đình anh Vàng Seo Măng ở thôn Làng Mới, xã Cốc Ly tranh thủ đi chợ mua thêm 3.000 cây giống về trồng. Anh Măng chia sẻ: "thấy bà con trồng quế có cuộc sống tốt hơn, mình cũng học cách trồng. Gia đình mình đã trồng được 6.000 cây quế 5 năm tuổi, cuối năm 2022 này sẽ bắt đầu thu tỉa. Thời điểm cuối tháng 1 và trung tuần tháng 2 thích hợp để trồng quế nên gia đình mình bàn bạc và quyết tâm trồng thêm. Sau khi phát nương xong, nhà mình đi chợ mua giống về trồng, mong cây quế giá cao, ổn định".

 Chúng tôi tới thăm vùng đồi rộng lớn trồng quế của gia đình anh Giàng Seo Sếnh, 38 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Thẩm Phúc. Anh cũng là hộ nông dân trồng nhiều quế của xã, gia đình anh hiện có gần 4 vạn cây quế từ 3 - 10 năm tuổi trên diện tích 4 ha. Anh Sếnh cho biết: “ Thấy người Dao ở Nậm Đét trồng quế giàu có, lại được cán bộ khuyến nông huyện, xã vận động, trong 3 năm từ 2013 - 2015, gia đình bắt đầu chuyển đổi 3 mảnh đồi trồng ngô sang trồng cây quế, năm đầu trồng 6.000 cây, các năm sau trồng thêm từ 5000 - 10.000 cây. Năm 2021, gia đình bắt đầu tỉa lá ở 3 mảnh đồi quế đầu tiên được gần 20 triệu đồng. Năm 2022, gia đình sẽ tiếp tục thu tỉa cành lá và chắc chắn sẽ thu cao gấp 3 - 4 lần năm trước. Diện tích cây non hiện nay của gia đình trị giá trên 1 tỷ đồng sẽ thua hoạch tỉa hàng năm lấy nguồn thu trang trải cuộc sống; sau đó chăm sóc cây đến 12 - 15 năm tuổi bắt đầu thu hoạch cây, vỏ quế sẽ cho hiệu quả kinh tế cao".

Trước đây, cũng như các hộ nông dân ở một số xã khu vực hạ huyện Bắc Hà, nông dân xã Cốc Ly trồng ngô, lúa, sắn, lạc, tuy nhiên hiệu quả kinh tế chưa cao. Thấy người Dao ở Nậm Đét giầu từ trồng quế, lại được Nhà nước hỗ trợ giống quế thông qua dự án giảm nghèo cho dân trồng rừng sản xuất, bà con nông dân xã hưởng ứng tích cực. Nhà nhiều đất thì chuyển diện tích ngô, lúa năng suất thấp sang trồng quế, với hàng vạn cây. Hộ ít đất trồng vài ngàn cây. Đến nay, cây quế đã cho thu nhập đáng kể, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào.

Với hiệu quả lớn từ cây quế, thời gian qua, xã Cốc Ly xác định cây quế là cây mũi nhọn giảm nghèo bền vững nên đã chú trọng mở rộng diện tích, nhất là phát triển diện tích quế hữu cơ, gắn với giao đất giao rừng cho nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng. Ông Mã Quốc Chính - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cốc Ly phấn khởi cho biết: “Hiện tổng diện tích quế toàn xã là trên 1.200 ha, cây quế thích hợp với đồng đất vùng cao Cốc Ly, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện xã tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng quế; chủ động chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại quế. Thời gian tới, chúng tôi chủ động xây dựng quy hoạch và phát triển vùng quế hữu cơ gắn với xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế, sả… đặt tại xã nhằm chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trong xã nói riêng và khu vực hạ huyện”.

Cây quế trên đồng đất vùng cao Cốc Ly đã và đang góp phần nâng cao đời sống của đồng bào nơi đây. Có nguồn thu từ quế, người dân có điều kiện đóng góp và tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí khó về giao thông, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo…  Điều này góp phần xây dựng vùng cao Cốc Ly ngày một đổi mới, ấm no, giàu mạnh, xứng đáng là trung tâm cụm xã ở khu vực hạ huyện vùng cao Bắc Hà.

Tráng Xuân Cường

Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thông huyện Bắc Hà, Lào Cai