Xuất phát từ thực tiễn đó, huyện Mèo Vạc đã xác định, muốn phát triển nông nghiệp phải dựa chủ yếu vào phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ thâm canh; trong đó, phát triển chăn nuôi bò hàng hóa là chủ yếu.

Mục tiêu của huyện Mèo Vạc là phấn đấu trở thành huyện chăn nuôi gia súc hàng hóa (chủ yếu là chăn nuôi bò) lớn nhất của tỉnh vào năm 2025. Theo đó, huyện Mèo Vạc phấn đấu đến năm 2025 có tổng số đàn gia súc đạt trên 65.000 con, riêng đàn bò đạt trên 33.800 con; tổng thu nhập từ chăn nuôi bò hàng hóa đạt trên 38% tổng thu nhập về sản xuất nông nghiệp của toàn huyện.

Từ mục tiêu đó, trong những năm qua, huyện Mèo Vạc đã có nhiều chích sách nhằm khuyến khích người dân mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, nhờ đó, thu nhập từ chăn nuôi gia súc nói chung và chăn nuôi bò nói riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh thành lập các Hợp tác xã, các tổ hợp tác phục vụ cho phát triển chăn nuôi gia súc; tăng cường hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ tiến bộ kỹ thuật vào quá trình cải tạo và phát triển đàn bò. Ngoài ra, các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ được ưu tiên thực hiện đã tạo điều kiện hình thành nên các gia trại và các trang trại  chăn nuôi bò hàng hóa tập trung trên địa bàn của huyện. Cho đến nay ngành chăn nuôi gia súc (chủ yếu là chăn nuôi bò) của huyện Mèo Vạc đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ, giá trị của ngành chăn nuôi (tính đến cuối năm 2020) chiếm trên 47% cơ cấu của ngành nông nghiệp (tăng 5,7% so với năm 2019). Đây chính là những tín hiệu đáng mừng để huyện Mèo Vạc tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu trở thành huyện chăn nuôi gia súc lớn nhất của tỉnh.

Một góc phiên chợ bò Mèo Vạc

Phạm Văn Phú

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang