Theo đó, công ty cho những hộ dân không đủ vốn mượn giống, phân bón và thuốc BVTV, đến khi thu hoạch, công ty sẽ thu mua lại của bà con và thu phần vốn đã đầu tư.

Ông Nguyễn Duy Hồng là hộ dân nhiều năm đã gắn bó với cây ngô sinh khối cho biết, so với trồng ngô lấy hạt, mặc dù mức đầu tư giống nhau, vật tư phân bón và thuốc BVTV, nước như nhau nhưng trồng ngô sinh khối “khỏe” hơn nhờ thời gian sinh trưởng ngắn, mỗi vụ kéo dài từ 80-90 ngày, tiết kiệm được nhiều công lao động. Trung bình trồng 1 ha ngô sinh khối, năng suất thu hoạch từ 50-60 tấn, với giá bán hiện nay tổng thu 58 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lợi nhuận bình quân hơn 35 triệu đồng/ha.

Ông Hồng cho biết thêm, bà con nơi đây thu hoạch xong vụ ngô sinh khối thì tiến hành thuê máy để cày ngay sau đó, phơi khô tầm 3-5 ngày mới xuống giống vụ tiếp theo. Cứ như thế một năm có thể làm từ 3-4 vụ ngô sinh khối để bán cho Công ty thu mua, nếu thời tiết thuận lợi. 

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc tại xã Sơn Thành Tây

 

Ông Phan Công Thắng - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây cho biết: Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học Phú Yên chính thức hoạt động năm 2019 trên địa bàn xã, nhờ đó tạo điều kiện bà con nơi đây trồng ngô sinh khối có thêm thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Hiện nay xã Sơn Thành Tây có diện tích trồng ngô sinh khối lớn nhất huyện Tây Hòa, bình quân mỗi năm gieo trồng từ 150 – 200 ha với gần 300 hộ dân tham gia mô hình sản xuất. Đặc biệt, tháng 5/2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ cho xã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc” với quy mô 10 ha, số hộ tham gia 37 hộ. Hiện nay cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt.

Việc thực hiện mô hình nhằm tuyên truyền đến người dân xã Sơn Thành Tây nói riêng và huyện Tây Hòa nói chung về hiệu quả của trồng ngô sinh khối, qua đó định hướng quy hoạch vùng trồng ngô sinh khối phù hợp với điều kiện của địa phương, với các giống có triển vọng giúp người dân nắm bắt kỹ thuật áp dụng vào thực tế sản xuất đem lại hiệu quả cao.

Trần Nguyễn Lâm Viên

Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa, Phú Yên